Kiến trúc và nội thất của đất nước Nhật Bản

- 27 Tháng Mười Hai, 2022
Kiến trúc và nội thất đất nước Nhật Bản | CONN Design

Nhật Bản – còn được gọi là đất nước phù tang hay đất nước mặt trời mọc – là một trong những cường quốc văn minh, hiện đại và sở hữu công nghệ bậc nhất thế giới. Không chỉ vậy, Nhật Bản còn thu hút rất nhiều sự quan tâm của thế giới bởi những nét văn hóa truyền thống cùng với một nền kiến trúc mang đậm chất riêng. Kiến trúc và thiết kế nội thất của Nhật Bản được xem là một trong những khái niệm có sự tác động mang tính lịch sử tồn tại cho đến nay. Thật khó để có thể đánh giá thấp sự đóng góp của người Nhật vào việc định hình phong cách thiết kế và truyền cảm hứng cho chúng ta. Điều này không chỉ giới hạn ở các phong cách thiết kế truyền thống mà còn cả các khái niệm kiến trúc đương đại, hiện đại. 

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các yếu tố rất độc đáo trong các khối kiến trúc của Nhật bản trong lâu đài, đền thờ hay thậm chí là nhà ở. Nhưng bạn có hiểu ý nghĩa về những yếu tố độc đáo đó hay tự hỏi tại sao kiến trúc & thiết kế của Nhật Bản luôn được giữ gìn và phát triển cho đến ngày hôm nay? Trong video này, CONN Design giúp bạn hiểu hơn về kiến trúc cũng như phong cách thiết kế nội thất của Nhật Bản. 

1. Lịch sử – Kiến Trúc Nhật Bản Qua Các Thời Kỳ

  • Kiến trúc Nhật Bản thời cổ đại 

Ngược dòng thời gian trở về thời kỳ Jōmon, Yayoi và Kofun kéo dài từ khoảng năm 5000 trước Công nguyên đến đầu thế kỷ thứ tám sau Công nguyên. Trong ba giai đoạn của thời kỳ Jōmon, dân số chủ yếu là săn bắn hái lượm với một số kỹ năng nông nghiệp nguyên thủy. Những ngôi nhà ban đầu là những ngôi nhà hố bao gồm các hố nông với sàn đất, được gọi là kiểu nhà Tateana. Mãi đến thời kỳ Yoyoi khi người Nhật bắt đầu tiếp xúc triều đại nhà Hán của Trung Quốc, họ bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi kiến thức và văn hóa sau đó áp dụng lên kỹ thuật xây dựng, Và kể từ đó,nhà sàn được phát triển v à được dựng từ những cột trụ cao phục vụ mục đích làm nhà ở; kho chứa thực phẩm. 

  • Kiến Trúc Nhật Bản thời Trung Cổ  

Tiếp đến trong suốt thời đại Asuka và Nara, kiến trúc cổ đại ở Nhật Bản đã chịu sự tác động và học hỏi từ kiến trúc Trung Hoa & Bán đảo Triều Tiên. Vào khoảng năm 538 (Sau Công Nguyên), để đánh dấu thời kỳ xuất hiện của Phật Giáo tại Nhật Bản đã hình thành nên các công trình mang hơi  thở tôn giáo. Tiêu biểu như Chùa Hōryū; Chùa Hokoji; Chùa Gango-ji..

Nói đến Phật giáo, chúng ta không thể không nói tới quần thể kiến trúc Phật giáo khu vực chùa Hōryū – một di sản thế giới đã được UNESCO công nhận – bao gồm 48 di tích Phật Giáo. Tổ hợp chùa được quy hoạch theo mô hình sân trong theo kiểu Trung Quốc. Với vật liệu gỗ là chủ yếu; cùng với cấu trúc hệ thống cột,dầm và kết cấu mái nhiều tầng phức tạp chồng lên nhau. Để phù hợp với điều kiện tự nhiên của Nhật Bản là quần đảo núi lửa, những công trình thường có quy mô vừa phải. Đặc biệt các tháp cao tầng còn có thêm cột chính giữa với vai trò giảm rung lắc khi xảy ra động đất. 

Giai đoạn thời kỳ Heian là thời điểm mà người Nhật bắt đầu dần định hình và phát triển phong cách kiến trúc theo cách riêng của họ. Đặc thù địa lý độc đáo là một hòn đảo riêng biệt và hoàn toàn cách biệt với quốc gia khác trở thành nguồn cảm hứng cho sự xây dựng cũng như sáng tạo trong kiến trúc Nhật Bản.

Bố cục kiến trúc của các ngôi đền trong thời đại này chủ yếu dựa trên cảnh quan thiên nhiên như các khu vườn, ao, hồ nước. Cùng với thiết kế đối xứng các khối kiến trúc, chúng ta sẽ có thể hình dung tổng thể bức tranh của những cánh tay đang ôm lấy khu vườn. Vẫn lấy gỗ làm vật liệu chính, những ngôi đền bằng gỗ ngày càng xuất hiện với tần suất dày hơn và đa dạng phong cách thiết kế hơn. 

  • Kiến trúc Nhật Bản thời Cận Hiện Đại

Mở đầu giai đoạn Cận hiện đại, thời kỳ Kamakura diễn ra trong khoảng 1185-1333, đây là thời điểm khi công nghệ được áp dụng vào nền kiến trúc. Không thể bỏ qua công trình nổi bật nhất thời kỳ này chính là đền Todai-ji.

Cùng với việc ảnh hưởng của Chiến tranh Genpei (Nguyên Bình Hợp Chiến – giai đoạn 1180-1185) cũng phần nào làm ảnh hưởng đến xu hướng kiến trúc của Nhật Bản. Sự ảnh hưởng bởi chiến tranh và tiêu hao chi phí để xây dựng lại đất nước, việc xây dựng và thiết kế dần trở nên đơn giản hơn và mang tính kiên cố, phòng vệ hơn.  Lối kiến trúc được thay đổi với những căn nhà – tòa nhà được xây dựng dưới một mái nhà lớn, không còn nằm rải rác xung quanh những khu vườn như trước. 

Kể từ thời đại Kamakura cho đến thời đại Muromachi, phong cách thiết kế nội thất Nhật Bản đã bắt đầu tối giản hơn nhiều. Cũng trong thời kỳ này, phòng trà bằng gỗ bắt đầu phổ biến với mục đích làm giảm sự căng thẳng và được người Nhật thiết kế trong một không gian nhỏ, ấm cúng cùng với những vật liệu đơn giản. Đồ vật trang trí được sử dụng chủ yếu trong phòng trà sẽ là tranh thư pháp, hoa mang đến sự nhẹ nhàng, thiền định. 

Tiếp nối đến thời kỳ Azuchi–Momoyama diễn ra từ năm 1568–1600, đó là khi Nhật Bản đang trải qua quá trình thống nhất sau một thời gian dài nội chiến, kiến trúc lâu đài cũng ra đời. Mỗi tòa lâu đài sẽ có một tòa tháp trung tâm – được bao bọc bằng những bức tường đá kiên cố và được bảo vệ bởi một con hào xung quanh. Nội thất sẽ được trang trí bằng những bức tranh, và thay vì cửa ra vào, các không gian bắt đầu được ngăn cách bởi những tấm bình phong gấp (byōbu)

  • Kiến Trúc Nhật Bản thời Hiện Đại

Vào thời kỳ cuối của Mạc phủ Tokugawa, Các kiến trúc sư Nhật Bản bắt đầu thiết kế những công trình kiến trúc theo phong cách phương tây. Người nhật bắt đầu học hỏi từ phương Tây để áp dụng các kỹ thuật mới và vật liệu mới song song với gỗ truyền thống. 

  • Kiến Trúc Nhật Bản thời Đương Đại

Sau Chiến Tranh thế giới thứ hai, trong quá trình phục hồi về kinh tế cũng như đất nước, Nhật Bản đã áp dụng việc sử dụng bê tông cốt thép & dần trở nên phổ biến và các công trình công cộng ở khắp mọi nơi được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại.

2. Phong Cách Kiến Trúc

  • Phong Cách Shinden-Zukuri

Shinden-zukuri là phong cách kiến trúc được sử dụng trong các dinh thự quý tộc thời Heian. Với cấu trúc tòa nhà chính được gọi là shinden (seiden) được xây dựng đối diện với một khu vườn phía nam với hai tòa nhà phụ (tainoya) phía đông và phía tây của shinden, và hai hành lang gọi là wataridono. Và phong cách này đã trở nên thịnh hành đặc biệt vào thế kỷ 10 đến thế kỷ 11.

Kiến trúc Shinden-Zukuri là một ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà sàn, mái lợp bằng Hiwada (vỏ cây bách). Ngôi nhà thiết kế theo cấu trúc không gian mở, với rất nhiều cửa mở xung quanh công trình & mặt chính của ngôi nhà hướng ra không gian sân vườn, cảnh quan, hồ nước.

  • Phong Cách Buke-Zukuri

Buke-Zukuri là phong cách kiến trúc dành cho Samurai trong thời kỳ Kamakura.Với nguồn gốc từ phong cách Shinden-Zukuri, nhưng trái ngược hoàn toàn với văn hóa quý tộc, Buke Zukuri đề cao phong cách đơn giản & sự thiết kế phù hợp với lối sống của Samurai.

  • Phong Cách Shoin-Zukuri

Shoin-zukuri là một trong những phong cách kiến trúc nhà ở của Nhật Bản được hình thành sau Thời kỳ Muromachi. Shoin-zukuri đã có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến phong cách thiết kế nội thất của các ngôi nhà dân cư của Nhật Bản kể từ đó.

Việc tận dụng cửa trượt Fusuma và vách ngăn Shoji được phát triển trong phong cách này, tạo ra nhiều không gian với từng mục đích khác nhau trong ngôi nhà. Cùng với sàn được phủ hoàn toàn bằng chiếu Tatami – các bạn có thể thấy những vật liệu này dần trở nên quen thuộc và phổ biến mãi cho đến thời nay.  

  • Phong Cách Sukiya-Zukuri

Tiếp theo, phong cách Sukiya-Zukuri hướng đến một không gian nhẹ nhàng, tinh tế, mang đậm chất thiền và chủ yếu sử dụng các vật liệu tự nhiên.

Trái ngược với phong cách Shoin nhấn mạnh và đề cao vị thế, kiến trúc Sukiya thể hiện sự đơn giản và tinh tế, phản ánh tinh thần của một trà sư trong việc từ chối việc trang trí; hào nhoáng của vẻ bề ngoài và nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc cải thiện từ bên trong. 

Ngày nay các bạn dễ dàng bắt gặp, nhiều ngôi nhà hiện đại và nhà hàng cao cấp của Nhật Bản vẫn lấy cảm hứng từ kiến trúc “Sukiya-Zukuri” để đánh dấu riêng phong cách của mình. 

  • Phong Cách Gassho-Zukuri

Cuối cùng là kiến trúc Gassho-zukuri; được phổ biến ở các ngôi làng nằm trong khu vực có tuyết rơi dày đặc. Mái nhà được lợp bằng tranh, cỏ phơi khô và có độ dốc lớn để tránh bị đọng tuyết trên mái. Người ta còn cho rằng thuật ngữ Gassho-zukuri xuất phát từ thực tế là hình dạng của mái nhà giống như bàn tay cầu nguyện. Không những thế, phần mái của ngôi nhà được thiết kế đón được ánh nắng mặt trời, giúp làm tan lớp tuyết nhanh nhất. Không gian dưới mái sẽ được sử dụng nuôi tằm, căn phòng được thiết kế đón gió và ánh sáng thích hợp cho tằm sinh trưởng.

3. Phong cách thiết kế nội thất

Kiến trúc nội thất Nhật Bản gây ấn tượng đặc trưng ở sự tinh tế giản dị. Điều giản dị và tinh tế ấy thể hiện qua những đường nét đơn giản trong ngôi nhà. Vì vậy lối kiến trúc này vẫn toát lên sự sang trọng một cách nhẹ nhàng, tinh tế mang những tầng nghĩa ẩn hiện ngay cả trong việc đặt để đồ vật.

Chúng ta không mấy ai xa lạ với việc người Nhật có hình tượng và lối sống trầm tĩnh, yên bình luôn hướng đến sự thanh tao và  nhẹ nhàng. Điều này còn thể hiện qua cách cư xử hạn chế làm phiền và nhỏ nhẹ chốn công cộng. Phải có cơ hội từng làm việc chung trong một môi trường của người Nhật hay có dịp ghé thăm đất nước xinh đẹp này, bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn văn hóa ấy, được người Nhật áp dụng trong lẽ sống hằng ngày và dạy dỗ những đứa trẻ từ khi chúng còn rất bé. 

Và phong cách sống cũng được thể hiện rõ trong các phong cách thiết kế nội thất của người Nhật. CONN Design xin được giới thiệu những phong cách tiêu biểu như: Truyền thống và Phong cách thiết kế Zen – Không gian thư thái và cân bằng 

  • Phong cách thiết kế Zen

“Zen” trong tiếng Nhật có nghĩa là thiền định. Thiền là một cách sống – một cuộc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống cá nhân, và phong cách thiết kế Zen thể hiện rõ nét triết lý tối giản này qua việc kết hợp không gian, màu sắc, ảnh sáng tự nhiên cùng những vật liệu tự nhiên – hòa hợp với thiên nhiên.

Không gian sống mang đến cảm giác nhẹ nhàng với màu sắc trung tính phù hợp riêng với nhu cầu thư giãn của gia chủ trong chính ngôi nhà của mình. Cùng với việc kết hợp màu sắc trung tính được chiếm ưu thế như những gam màu trắng, be, xám – tone màu nền nã giúp không gian trở nên ấm cúng. 

Với phương châm gần gũi với thiên nhiên nên việc tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời không còn xa lạ trong phong cách thiết kế của Nhật Bản. Họ tối ưu những chiếc cửa số lớn cùng không gian mở để tăng cường luồng ánh sáng tự nhiên cho không gian của mình. 

Không có gì xa lạ với những vật liệu tự nhiên: Gỗ, tre và các loại vải sợi sử dụng rất phổ biến mang lại sự mộc mạc, gần gũi cho không gian sống.Dĩ nhiên sàn gỗ luôn là đặc trưng bạn có thể dễ bắt gặp tại đất nước Nhật Bản.

  • Phong cách thiết kế nội thất Wabi Sabi – Khác biệt từ sự không hoàn hảo

Wabi Sabi là một khái niệm được bắt nguồn từ Nhật Bản đưa ra sự phản đối với những quy tắc trang trí mang tính quy luật,điển hình. Hơn cả một phong cách trang trí, Wabi Sabi được xem là một triết lý sống; với mục đích nhìn nhận và chấp nhận một cách ôn hòa về vòng tuần hoàn của sự phát triển và suy tàn tự nhiên vốn có.

Chúng ta chỉ cần nắm ba quy tắc cơ bản của thiết kế nội thất theo phong cách Wabi Sabi: Tìm vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo, tô điểm cho ngôi nhà của bạn với những gì bạn có, và sự suy tàn vốn có sẽ tạo ra một dấu ấn cá nhân riêng biệt.

  •  Phong cách thiết kế Ma

Phong cách Ma được diễn giải như sự tạm dừng của thời gian; sự trống rỗng – khoảng cách; sự im lặng và tĩnh lặng. Không chỉ áp dụng riêng trong phong cách thiết kế nội thất, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy văn hóa Ma trong các lĩnh vực nghệ thuật cũng như lối sống của người nhật. Ma chính là khoảng thời gian và không gian chúng ta tạm dừng để sống, để kết nối giữa cuộc sống thường nhật vội vã và tất bật. 

Trong thiết kế nội thất cũng vậy, ma được áp dụng thông qua các lựa chọn nội thất đa chức năng, như cửa trượt hoặc,như chiếu tatami. Với những lựa chọn như thế này, bạn có thể tối đa hóa không gian cho căn phòng.

  • Phong cách Japandi 

Japandi là nơi giao thoa giữa phong cách thiết kế nội thất Scandinavian và phong cách thiết kế nội thất Nhật Bản hiện đại. Cả hai đều bắt nguồn từ các nguyên tắc thiết kế tối giản, tập trung vào sự ấm áp, các yếu tố tự nhiên và bảng màu trầm. Ánh sáng tự nhiên và các yếu tố gần gũi với thiên nhiên cũng là những tính năng tiêu biểu của phong cách Japandi. 

Với Japandi, bạn sẽ không tìm thấy những chi tiết trang trí công phu, lòe loẹt. Thay vào đó, các hình khối và đường nét thực sự tỏa sáng trong những không gian này với đồ nội thất và đồ trang trí tiện dụng nhưng vẫn mang tính thẩm mỹ.

  •  Phong cách tối giản: Less is more

Một trong những nền tảng của kiến trúc Nhật Bản là chủ nghĩa tối giản. Các khái niệm về sự đơn giản, tinh khiết đã được điều chỉnh trong kiến trúc của họ và tồn tại theo thời gian. Nhưng làm thế nào để họ đạt được sự hấp dẫn tối giản này trong khi vẫn sang trọng và thanh lịch? Bí quyết nằm ở việc họ không sử dụng đường cong hay những dải  cấu trúc cầu kỳ trong thiết kế. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà của người Nhật sẽ có hình vuông hoặc hình chữ nhật đơn giản. Cùng với việc trang trí nội thất tối giản, chẳng hạn như khu vực tiếp khách –  chỗ ngồi trong nhà đều được đặt sát mặt đất được lót đệm cùng những chiếc bàn ăn vuông vức để tối ưu thêm không gian sống.  

Vẫn là tình yêu với thiên nhiên, việc tận dụng ánh sáng tự nhiên, vật liệu gần gũi như gỗ để lắp đầy không gian sống mang đến sự ấm áp,  bình yên và sự thanh thản. Thiết kế của Nhật Bản không chỉ tuân theo khái niệm tối giản mà còn truyền cảm hứng cho chính bản thân nó – vận dụng các yếu tố của tự nhiên để tạo ra thứ gì đó cực kỳ đơn giản nhưng vẫn hài hòa và có tính ứng dụng cao.

4. Yếu tố đặc trưng của kiến trúc & thiết kế nội thất Nhật Bản

  • Gỗ 

Kiến trúc truyền thống Nhật Bản chủ yếu xoay quanh về gỗ. Bởi lẽ vì đặc thù khí hậu, độ ẩm cùng với những nguy hiểm tiềm tàng từ động đất và những nguy cơ liên quan đến bão, mà người Nhật luôn ưa chuộng gỗ hơn là đá hay các vật liệu khác. Gỗ còn mang lại sự thông thoáng phù hợp với điều kiện thời tiết ở Nhật cũng như sự bền bỉ để chống lại các thiên tai. 

Đặc tính tiêu biểu trong kiến trúc và thiết kế của Nhật bản, họ coi trọng sự bền vững và kết nối sâu sắc với thiên nhiên. Việc sử dụng vật liệu tối giản của người Nhật cũng đã nói lên phần nào về tư duy của họ.

  • Thiên nhiên

Trong văn hóa Nhật Bản, mọi sự sống đều mang một ý nghĩa và giá trị, điều này được thể hiện rõ nét trong sự tôn trọng của họ đối với thiên nhiên. Kiến trúc Nhật Bản hướng đến sự hài hòa với thiên nhiên bên ngoài. Các hình thức xây dựng, vật liệu và màu sắc thường tận dụng và hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Dù cho vạn vật đều phát triển, như các vật liệu có thể đã thay đổi từ giấy sang thủy tinh, từ gỗ sang thép, nhưng nguồn cảm hứng và sự tôn trọng dành cho thiên nhiên là không đổi.

  • Chiếu Tatami

Tatami (畳, chiếu được sử dụng làm sàn trong các phòng kiểu Nhật truyền thống) là vật dụng phổ biến trong các ngôi nhà Nhật Bản cho đến ngày nay. Theo truyền thống được làm bằng rơm và cói mềm với các cạnh bằng vải, kích thước tiêu chuẩn của chiếu tatami là tỷ lệ 2:1.

  • Shoji & Fusuma

Cả hai khái niệm Shoji & Fusuma có lẽ không còn xa lạ với các tín đồ yêu thích kiến trúc,thiết kế phong cách Nhật Bản. Shōji (bình phong di động) và fusuma (襖, cửa trượt) luôn được đưa vào những ngôi nhà cổ của Nhật. Cả hai đều được sử dụng làm cửa và vách ngăn, phân chia và tối ưu các không gian trong nhà, những Shoji còn được dùng làm cửa sổ hoặc cửa ra vào bên ngoài bởi cấu tạo của Shoji bao gồm các khung gỗ với giấy mờ và cho phép ánh sáng, bóng tối chiếu qua. Trong khi cấu tạo của giấy fusuma mờ đục. Cả hai đều trở nên nổi tiếng ở phương Tây & trở thành một trong những khía cạnh đầu tiên của kiến trúc Nhật Bản.

  • Engawa

Nói đến Engawa là nói đến một nét kiến trúc độc đáo của nhà ở truyền thống Nhật Bản, tương tự như ban công trong các căn nhà phương Tây. Engawa gồm những tấm ván gỗ dài được gắn vào phần rìa của ngôi nhà. Nó có thể được sử dụng như một lối ra vào hay một hành lang. Vai trò của Engawa còn có thể thay thế cho khu vực tiếp khách hay là nơi giúp các thành viên trong gia đình thư giãn, giải tỏa những năng lượng tiêu cực.

  • Genkan

Thật sự Genkan là một yếu tố không thể thiếu trong mỗi căn nhà tại Nhật Bản. Ngay cả trong những bộ phim hoạt hình, anime, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp Genkan vô cùng phổ biến. Genkan (玄関, khu vực lối vào truyền thống của Nhật Bản) đóng vai trò là khu vực đặt giày trước khi bước vào bên trong phần chính của ngôi nhà. Chúng được đặt  thấp hơn sàn của phần còn lại của tòa nhà, để hạn chế bụi bẩn.  

  • Roof

Những mái cong, thuôn dài của kiến trúc truyền thống Nhật Bản là tâm điểm trong hầu hết các tòa nhà. Chúng rất quan trọng, không phải chỉ vì sự tỉ mỉ hay hấp dẫn trong thiết kế mà còn vì vai trò của chúng trong việc bảo vệ ngôi nhà. Mái hiên của mái nhà được thiết kế rộng rãi để bảo vệ cửa sổ khỏi mưa, vì mùa hè ở Nhật Bản mang theo nhiều cơn mưa rào. 

Với các thông tin được chia sẻ trên, hy vọng qua video clip này các bạn đã có thêm một góc nhìn tổng quan cũng như những thông tin cần thiết trước khi chọn cho tổ ấm của mình một phong cách thiết kế phù hợp. Đừng ngại liên hệ với chứng tôi nếu bạn đang có một ý tưởng cho tổ ấm của mình theo phong cách Nhật Bản, đội ngũ Conn Design sẽ mang đến cho bạn những giải pháp để biến ý tưởng của bạn thành sự thật.

(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm)

Tôi là Trang, Founder của CONN Design - công ty chuyên thiết kế và thi công không gian kinh doanh. Tôi tốt nghiệp trường đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh và đam mê ngành thiết kế từ nhỏ. Tôi luôn mong muốn tạo ra những không gian đẹp, tiện nghi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng thiết kế là một ngôn ngữ không lời để thể hiện cá tính và giá trị của con người. Một câu châm ngôn về thiết kế mà tôi thích là: "Thiết kế không chỉ là những gì bạn nhìn thấy, mà còn là những gì bạn cảm nhận."

Trần Thị Hồng Trang

KHÁM PHÁ

x

    • 1

      Step 3

    • 2

    • 3

    1/3

    Step 3

    Thông tin của bạn

    Hoặc chọn thời gian sau:

    Phong cách thiết kế bạn yêu thích?

    Loại hình công trình của bạn?