Kiến trúc truyền thống Trung Hoa giữ một vị trí đặc biệt trong nền văn hóa Trung Quốc. Những kiệt tác kiến trúc Trung Quốc chẳng hạn như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Đàn Thờ Trời ( Temple of Heaven ), Vạn Lý Trường Thành chỉ là một phần nhỏ trong di sản văn hóa của Trung Quốc, được liệt kê là Di sản Thế giới của UNESCO – không chỉ do ý nghĩa lịch sử mà còn bởi sự độc đáo của nó trong ngành kiến trúc Trung hoa.
Sự sang trọng và hoành tráng của kiến trúc Trung Quốc trở thành đặc điểm nổi bật cùng sự kết hợp của các vật liệu và màu sắc khác nhau – hôm nay hãy cùng CONN Design đến với nền kiến trúc của Trung Hoa – nơi được xem là tinh hoa hội tụ và mang tầm ảnh hưởng sâu sắc đến nền kiến trúc thế giới.
Nội dung bài viết
1. Lịch sử hình thành kiến trúc Trung Quốc
Trải qua cả ngàn năm với một bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ, CONN Design sẽ giới thiệu với các bạn hình hài của nền kiến trúc Trung Quốc ngay từ những thời kỳ đầu tiên. Chúng ta hãy bắt đầu đến với giai đoạn đầu tiên.
Thời kỳ đồ đá (Năm 1600 TCN)
Thật sự không có quá nhiều di tích cũng như công trình còn sót lại từ thời kỳ đồ đá. Nhưng dựa trên các di tích và khảo cổ, ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Hoàng Hà, kiến trúc thời kỳ đồ đá nhìn chung được bao quanh bởi một con hào đào sâu. Hai loại hình nhà ở phổ biến đó chính là: những tòa nhà hình tròn cùng với mái lợp hình nón – được xây dựng trên mặt đất. Còn lại đó là những tòa nhà được xây dựng hình vuông với mái hình chóp nhưng được xây dựng bán ngầm – chúng được phát triển từ nhà ở hang động.
Trong giai đoạn đó, vật liệu xây dựng còn thô sơ với những bức tường sẽ được làm bằng gỗ; lợp mái tranh; để trát tường và cách nhiệt – người dân đã sử dụng chất liệu đất sét, cây keo. Những ngôi nhà đều có một điểm chung đặc trưng với lớp nền bằng đất sét nung. Để thể hiện rõ những đặc điểm này, Conn Design sẽ giới thiệu với các bạn về Làng Banpo – được xem là một địa điểm đặc trưng thời kỳ đồ đá mới ở Thung lũng sông Hoàng Hà, phía đông Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Thời nhà Thương (Năm 1600 – 1046 TCN)& Thời nhà Chu (1046-256 TCN)
Tiếp nối thời kỳ đồ đá, các cuộc khai quật và khảo sát đã tiết lộ hầu hết các ngôi nhà được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và đất. Các yếu tố cơ bản trong lĩnh vực kiến trúc dần hình thành với những đặc điểm như: Những bức tường bằng đất khổng lồ bao quanh nơi ở, mái nhà lợp thường có độ dốc và mái hiên, gạch men cũng bắt đầu được sử dụng trong giai đoạn này với các hình thức xây dựng chính bao gồm cung điện, đền thờ, lăng tẩm, tòa nhà chính phủ, phòng giam, nhà xưởng và nhà dân gian.
Đến với thời nhà Chu, đặc điểm nổi bật mà CONN Design muốn chia sẻ với các bạn đó chính là Hệ thống khung gỗ dǒugǒng (đấu củng)- kiến trúc khung gỗ truyền thống của Trung Quốc đã được hình thành và phát triển. dǒugǒng (đấu củng) được xem là sức hấp dẫn trường tồn của kỹ thuật xây dựng Trung Quốc cổ đại.
Dǒugǒng (đấu củng) là yếu tố cấu trúc độc đáo được cấu tạo từ một bộ các khối gỗ và các tay xà ngắn – chúng được cắt gọt sao cho khi chồng lên chúng sẽ đan cài vào nhau để tạo thành một khối thống nhất với nguyên lý như một giá đỡ và làm giảm sức ép, áp lực lên các bức tường trong khối kiến trúc. Dù không cần dùng keo hay đinh ốc để nối chúng lại với nhau nhưng việc lắp đặt các thanh gỗ theo đúng khuôn, ăn khớp nhịp nhàng tạo thành một hệ thống vững chắc và linh hoạt nên khi xảy ra động đất, kết cấu này vẫn giữ vững mái nhà và khung nhà. Kết cấu này được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong kiến trúc truyền thống Á Đông.
Nhà Tần (221 – 206 TCN) & Nhà Hán (207 – 220TCN)
Nhà Tần là triều đại phong kiến đầu tiên ở Trung Quốc với Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế đầu tiên – Mặc dù nhà Tần (221 TCN – 206 TCN) chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn tới các triều đại sau này.
Không chỉ ghi dấu ấn hàng nghìn năm với những đóng góp cho công trình khổng lồ như Vạn Lý Trường Thành, lăng mộ kỳ bí với hơn 8.000 binh sĩ đất nung cùng nhiều bí ẩn chưa thể lý giải, triều đại của Tần Thủy Hoàng còn khiến hậu thế kinh ngạc khi xây dựng con đường “cao tốc” dài 700km – được gọi là Tần Trực Đạo vào thời cổ đại và chỉ mất một thời gian rất ngắn. Vật liệu chủ yếu được sử dụng trong giai đoạn này được làm bằng đất nén.
Chắc các bạn đang thắc mắc đất nện là như thế nào đúng không? Tất cả lượng đất được sử dụng cần phải được nghiền nát, nung và sau đó được nén chặt lại với nhau giúp nó trở nên rắn chắc như bê tông. Có lẽ cũng chính vì vật liệu độc đáo này, mà chúng ta khó để tìm được sự sống của cây cỏ. Điều đáng kinh ngạc đó chính là tuy đã được xây dựng từ 2000 năm trước trong thời gian rất ngắn, con đường này được các chuyên gia đánh giá vẫn giữ được chất lượng rất tốc.
Tam Quốc (Nhà Ngụy – Thục – Ngô 220-280 TCN)
Đặc điểm đặc biệt trong giai đoạn này đó chính là sự du nhập kiến trúc Phật Giáo bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ. Kiến trúc Phật Giáo như đền, chùa, tượng Phật đã được hình thành và trở thành một nền tín ngưỡng quan trọng.
Một số công trình tiêu biểu như Động Thiên Long Sơn, Sơn Tây – Động Thiên Long Sơn là một chuỗi gồm 21 hang động Phật giáo được trang trí, có niên đại từ thời Đông Ngụy đến triều đại nhà Đường và chúng được đánh số liên tục từ đông sang tây.
Tiếp đến,không thể không kể đến Động Long Môn với ba mươi phần trăm các hang động và bức tượng trong hang động Long Môn có từ thời Bắc Ngụy và 60% có từ thời nhà Đường. Nếu có dịp ghé thăm Trung Quốc, các bạn đừng bỏ qua di tích Động Long Môn này nhé, bởi lẽ địa điểm của Hang động Long Môn nằm trong một môi trường tự nhiên tuyệt đẹp. Các hang động chứa hàng chục nghìn bức tượng Phật, phù điêu bằng đá và bài vị nằm trên vách đá vôi của Núi Tương Sơn (về phía đông và được gọi là Đồi Đông) và Núi Long Môn (về phía tây và được gọi là Đồi Tây).
Nhà Tùy (581-618) và nhà Đường (618-907)
Kiến trúc Phật Giáo trong giai đoạn nhà Tùy và nhà Đường lại càng được phát triển mang một vẻ ngoài tráng lệ hơn và phong cách thanh lịch hơn. Nổi bật trong triều đại nhà Tùy có thể kể đến hai kinh đô Trường An và Lạc Dương
Sau đó đến thời nhà Đường, họ đã xây dựng một triều đại và nhà nước mang tính lâu dài hơn, nền văn minh – văn hóa cũng đã phát triển mạnh mẽ mang đến tầm ảnh hưởng vươn ra các nước bạn như: Hàn Quốc,Nhật Bản, Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn đỉnh cao của kiến trúc phật giáo. Đặc điểm trong kiến trúc vẫn xoay quanh màu đơn sắc,kết cấu đối xứng trục, lớp mái hiên có phần nhô ra cùng kiến trúc dougong khoác lên ngoài dáng vẻ uy nghiêm vốn có.
Một số công trình mang đậm dấu ấn Phật Giáo có thể kể tới đó là Tháp Đại Nhạn – một biểu tượng của tỉnh Thiểm Tây và là kiến trúc cổ nhất Trung Quốc. Công trình nằm trong quần thể đền Đại Từ Ân, mặt trước là bức tượng Huyền Trang lớn với khuôn mặt từ bi. Phía sau quần thể này là quảng trường Bắc, nơi có đài phun nước lớn và nhiều tác phẩm điêu khắc.
Các triều đại nhà Tống (907-1279 CN), Liêu (907-1125 CN) và Tấn (1115-1234 CN)
Dựa trên sự phát triển của nền kinh tế và thủ công, những tác phẩm thủ công tinh xảo này đã ảnh hưởng đến kiến trúc của Trung Quốc giai đoạn này. Đường nét kiến trúc giai đoạn này được đánh giá tinh tế hơn,công phu hơn. Khác với kiến trúc tráng lệ thời Đường,ở thời Tống quy mô các tòa nhà nhỏ hơn cùng với mái hiên nhô ra thanh tao cũng hơn, các chi tiết trên xà và cột, cửa ra vào và cửa sổ cũng phong phú hơn.
Hai công trình tiêu biểu có thể gọi tên Đằng Vương Các và Hoàng Hạc Lâu với lối kiến trúc có phần chi tiết và đường nét cũng thanh mảnh hơn. Đằng Vương Các Tự ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây là một trong Tứ đại danh lâu của Trung Quốc và là một trong ba đại danh lầu của vùng Giang Nam, cùng với Nhạc Dương lâu ở Hồ Nam, Hoàng Hạc lâu ở Hồ Bắc.
Hoàng Hạc Lâu – được xem là một trong Tứ Đại Tháp của Trung Quốc – đứng uy nghiêm bên bờ sông Dương Tử. Đây được xem là một trong những biểu tượng của tỉnh Vũ Hán – nếu có dịp ghé qua thành phố này, các bạn đừng bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng Hoàng Hạc Lâu nhé. Hoàng Hạc Lâu mang trong mình những đặc điểm kiến trúc khác nhau tùy vào các triều đại đi qua, tuy nhiên phiên bản mà các bạn nhìn thấy ngày nay đã tồn tại từ thời nhà Thanh. Với mái hiên hếch màu vàng, mỗi tầng dường như được thiết kế giống như một chú sếu cùng đường nét thanh mảnh được điêu khắc một cách vô cùng tỉ mỉ như những chú sếu vàng đang dang rộng đôi cánh để bay.
Các triều đại nhà Minh – Thanh
Thành tựu được xem là bậc nhất của kiến trúc triều đại Minh – Thanh không thể bỏ qua đó chính là tử Cấm Thành – là trung tâm của Bắc Kinh – là cung điện hoàng gia với phức hợp cổ đại lớn nhất Trung Quốc. Hầu hết được xây dựng bằng gỗ, lợp bằng ngói tráng men màu vàng trên nền đá xanh, trắng – trông vô cùng trang nghiêm và rực rỡ. Cấu trúc bức tường thành phố cao 10 mét, hào nước 52 mét rộng bao quanh Tử Cấm Thành – Đây còn được xem là kiệt tác đối với thế giới. Tất cả kiến trúc Tử Cấm Thành được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ và tinh tế với những chất liệu quý hiếm, độc đáo. Đến đây, chủ nhân sẽ phần nào hiểu được cuộc sống vương giả, xa hoa đầy quyền uy của của các triều đại phong kiến Trung Hoa.
Quả là một bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ phải không nào.Dựa trên sự tìm hiểu của CONN Design, các nguyên tắc cốt lõi của thiết kế cấu trúc của Trung Quốc không có một sự thay đổi đáng kể trong hàng nghìn năm; chỉ các thuộc tính về trang trí đã được thay đổi và phát triển theo thời gian..Trong phần tiếp theo sau đây, chúng ta sẽ cùng thảo luận về các thành phần chính, đặc trưng và các loại hình phổ biến của kiến trúc Trung Quốc nhé.
2. Đặc trưng trong kiến trúc Trung Quốc
Nền văn hóa Trung Quốc đã có ảnh hưởng lớn đến phần lớn châu Á đến mức chúng ta không thể phủ nhận rằng: phong cách kiến trúc tương tự với Trung Quốc có thể dễ dàng được nhìn thấy ở Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dưới đây Conn Design đã liệt kê năm yếu tố độc đáo góp phần tạo nên sự hiện hữu và tồn tại của kiến trúc Trung Quốc – có lẽ các bạn cũng sẽ nhận ra những đặc trưng quen thuộc này đấy
Đối xứng song phương
Đầu tiên, đó chính là lối đối xứng song phương – hay gọi một cách dễ hiểu hơn là sự cân bằng là đặc trưng luôn có mặt trong các công trình kiến trúc Trung Quốc. Theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành, sự cân bằng là một khái niệm thiết yếu và được đánh giá cao trong quan niệm của người Trung quốc.
Do đó, tính đối xứng song phương, được cho là đại diện tuyệt vời cho sự cân bằng Âm và Dương và đã được sử dụng nghiêm ngặt trong các tòa nhà truyền thống của Trung Quốc.
Lối kiến trúc được bao bọc xung quanh
Và để duy trì cấu trúc đối xứng song phương, không thể thiếu những chi tiết phụ được phân bổ theo 2 mạn trái phải bên hông tòa nhà chính. Thông thường các bạn sẽ dễ dàng thấy trong phim ảnh những khu nhà, biệt phủ hay cung điện sẽ có 1 trong 2 chi tiết sau:
Sân trong
Mặc dù có sự khác biệt giữa khu vực sân trong ở phía bắc và phía nam, nhưng các đặc điểm cơ bản của chúng gần như hoàn toàn giống nhau. Trong một gia đình, ở giữa sẽ được xây một sân rộng, hoặc nhiều hơn đối với các biệt phủ rộng lớn; và được bao quanh bởi các gian phòng chính, phụ của gia chủ. Khu nhà chính nằm trên trục trung tâm Bắc Nam, các khu nhà phụ ít quan trọng hơn sẽ được nằm ở hai mặt Tây và Đông.
Giếng trời
Giếng trời được sử dụng phổ biến ở miền Nam Trung Quốc – giếng trời được tạo ra bởi các giao điểm của các gian phòng và theo truyền thống, mục đích của giếng trời được sử dụng để điều chỉnh nhiệt độ và tích trữ nước mưa. Các bạn sẽ thấy giếng trời thật sự cũng không quá xa lạ bởi ở Việt Nam cấu trúc giếng trời vẫn được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên Conn Design muốn làm rõ đặc trưng giếng trời ở Trung Quốc sẽ là một khoảng sân khá lớn và hòa hợp với thiên nhiên; còn ở Việt Nam việc sử dụng giếng trời với mục đích làm điểm nhấn cho căn nhà; thu hút ánh sáng vào ban ngày là chủ yếu nhưng vẫn gói gọn trong không gian của toàn bộ cấu trúc nhà ở.
Phân chia theo thứ bậc
Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc cổ đại, hệ thống thứ bậc đã được Nho giáo tuân thủ nghiêm ngặt và rất được coi trọng. Và điều đó cũng áp dụng trong lĩnh vực kiến trúc, cấu trúc, Các bạn biết không, hoa văn, Màu sắc, trang trí và tỷ lệ đều có quy định rõ ràng, tùy theo địa vị xã hội của mỗi gia đình, chẳng hạn, trừ những công trình kiến trúc đặc biệt như chùa chiền, không một ngôi nhà nào có thể cao hơn hoặc to hơn Hoàng cung của hoàng đế; trong một số triều đại, thường dân không được phép sử dụng một số hoa văn mang ý nghĩa tốt lành như Rồng hay Phượng hoàng, cũng như một số màu sắc quý phái như Chu sa đỏ và Vàng tươi.
Ngoài ra, việc sắp xếp vị trí các gian phòng dựa theo tính năng và quyền lực cũng được phân chia theo thứ bậc rõ rệt. Đối với những gian phòng chính, sẽ được bố trí ở khu vực trung tâm, sao cho cửa sẽ quay mặt về phía trước của căn nhà.Đối với những gian phòng phụ sẽ được phân chia ở mạn hai bên trái phải bao quanh tòa nhà. Dễ hiểu hơn nếu các bạn theo dõi những bộ phim Trung Quốc sẽ thấy rõ rệt qua việc Chủ nhà sẽ luôn có được không gian chính, trung tâm. Các thành viên trẻ hơn ở 2 cách bên trái và phải còn khu vực bếp núc, khu vực chỗ ở người hầu sẽ được sắp xếp ở phía sau.
Nhấn mạnh theo chiều ngang
Cấu trúc nhà ở, biệt phủ nhấn mạnh theo chiều ngang cũng góp phần tạo nên phong cách kiến trúc riêng biệt của Trung Quốc. Đây là xu hướng được những người người có tài sản, chức vụ chọn lựa khi xây dựng nhằm thể hiện tầm quan trọng, quyền lực và sự giàu có của họ. Các biệt phủ, cung điện được xây dựng với một lối kiến trúc rất rộng được phân bổ theo chiều ngang hoàn toàn trái ngược với lại phong cách kiến trúc phương Tây – được xây dựng với lối kiến trúc trần cao để thể hiện sự quý tộc.
Công trình kiến trúc mang đậm tính chất này có lẽ là không cần Conn Design phải giới thiệu, chắc các bạn cũng đã biết tới đó chính là Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành là kiến trúc cung điện thời trung cổ lớn nhất thế giới và là cung điện chính của hoàng gia trong hai triều đại cuối cùng của Trung Quốc: nhà Minh (1368–1644) và nhà Thanh (1644–1912).
Phong thủy và đồ vật theo tín ngưỡng
Đặc điểm cuối cùng và cũng không mấy xa lạ CONN Design muốn giới thiệu với các bạn đó chính là những yếu tố phong thủy, tín ngưỡng được áp dụng trong kiến trúc Trung Quốc.Phong thủy kiến trúc là linh hồn của các lý thuyết kiến trúc cổ xưa của Trung Quốc, từ những giai đoạn đầu tiên trong lịch sử đến ngày nay, phong thủy đã được sử dụng trong kiến trúc cũng như việc bố trí những vật dụng trong nhà ở, những công trình tôn giáo – cung đình. Những người theo phong thủy tin rằng một tòa nhà hoặc một công trình có bố cục phong thủy tốt sẽ có tác động tích cực, thu hút may mắn, thịnh vượng cũng như sức khỏe cho gia chủ.
Cụ thể điều này đã được bố trí – sử dụng như sau:
Trong việc lựa chọn phương hướng để xây dựng một công trình, một trong những nguyên tắc Phong Thủy quan trọng được sử dụng trong kiến trúc là “tựa sơn, hướng thủy”. Điều này đã được sử dụng rộng rãi ở quy mô lớn hoặc nhỏ. Một ví dụ điển hình trong nguyên tắc này các bạn có thể tìm hiểu qua cố đô Tây An – có lịch sử hơn 3100 năm và được 13 triều đại chọn làm thủ đô bởi đối với các bậc thầy phong thủy vị trí của Tây An vô cũng tốt lành.
Cố đô Tây An được bao quanh bởi chín ngọn núi (núi Zhongnan, núi Cuihua, núi Lishan, núi Guanshan, núi Yuhua, núi Liangshan, núi Qishan, Tianhua và Taibai) và được bao bọc bởi tám con sông (Weihe River, Jinghe River, Fenghe River, Laohe River, Jiaohe River, Haohe River, Chanhe River và Bahe River).
Một ví dụ tiếp theo, phong thủy được xem xét khi chọn hướng cửa ra vào và cửa sổ. Cửa trước thường hướng về phía nam, để đón nhiều ánh sáng mặt trời nhất. Đối mặt với cửa chính của ngôi nhà, thường được đặt các bức bình phong với quan niệm ngăn cản và xua đuổi những điều xấu xa đến với gia chủ.
Ngoải ra, kiến trúc của Trung Quốc còn khuyên rằng chúng ta không nên trồng cây to trong khuôn viên nhà ở. Với lý do cây to sẽ cản ánh sáng mặt trời và luồng không khí – tài vận của gia chủ, từ đó mang lại bệnh tật cho các thành viên trong gia đình.
3. Các loại hình kiến trúc
Tiếp nối những đặc trưng trong kiến trúc Trung Quốc, Conn Design sẽ giới thiệu với các bạn ba loại hình chính thường được xây dựng nhé. Dĩ nhiên việc phân chia ra như vậy hẳn là cũng đã có một dụng ý nhất định, hãy cùng Conn Design tìm hiểu nhé:
Kiến trúc Thường dân
Kiến trúc thường dân có nghĩa là ngôi nhà của những người bình thường như thương nhân, nông dân – thuật ngữ thường dân đã được sử dụng từ thời cổ đại. Ngôi nhà của thường dân đều tuân theo một khuôn mẫu để xây dựng và thậm chí ngày nay chúng ta vẫn có thể thấy điều tương tự như vậy ở các vùng nông thôn Của Trung Quốc.
Kiến trúc thường dân được xây dựng theo kiểu có một phòng thờ nằm ở trung tâm của ngôi nhà, xung quanh sẽ là các phòng ngủ dành cho gia chủ, người lớn tuổi – cùng với gian phòng cần thiết khác như bếp, phòng ăn.
Kiến trúc Hoàng Gia
Các cung điện hoàng gia ban đầu được xây dựng để thỏa mãn lối sống xa hoa của các hoàng đế, cũng như là một địa điểm tập trung thể hiện quyền kiểm soát chính trị, sự uy nghi của hoàng gia. Một số đặc điểm điển hình mà kiến trúc chỉ dành cho Hoàng Gia chẳng hạn như mái ngói màu vàng, bởi màu vàng là màu duy nhất của hoàng gia – hoàng đế.
Chẳng hạn như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh được xây dựng chủ yếu bởi mái ngói màu vàng. Việc xây dựng các cung điện luôn nhấn mạnh vào vẻ ngoài lộng lẫy, cách bố trí đều đặn và theo cấu trúc đối xứng trục, với các tòa nhà lộng lẫy nằm ở trục giữa và những ngôi nhà nhỏ hơn gắn liền với nhau nằm dọc theo hai bên. Song song đó là sự bố trí các họa tiết kiến trúc, ký tự đặc biệt để biểu thị cung điện hoàng gia. Ví dụ như đôi sư tử bằng đá hoặc bằng đồng thường ngự trước cổng chính để xua đuổi tà khí. Những cột trang trí, được chạm khắc với những thiết kế hoa tinh xảo, vươn lên bầu trời.
Thần số học cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến lối kiến trúc Trung Quốc. Conn Design sẽ chia sẻ đến các bạn một thông tin vô cùng thú vị về Tử Cấm Thành về việc áp dụng Thần số học vào kiến trúc; Theo quan niệm của người Trung Quốc, số 9 được coi là con số là con số may mắn,tượng trưng cho Hoàng đế. Đây là con số hoàn hảo, viên mãn và tròn đầy. Chính vì vậy, 9.999 phòng trong Tử Cấm Thành tượng trưng cho quyền lực tuyệt đối và sự vương giả của bậc đế vương. Chỉ có Hoàng đế mới sử dụng con số 9 quyền lực này trong kiến trúc. Ngoài ra không có ai dám sử dụng con số đó vì nếu dùng sẽ có thể phải trả giá bằng cả tính mạng.
Không chỉ có 9.999 phòng, Tử Cấm Thành có 9 cửa dẫn vào nội đình (hậu cung). Ngai vàng của Hoàng đế cũng được đặt trên 9 bậc. Họ cũng thường cho đúc cửu đỉnh (tức 9 cái đỉnh) để tượng trưng cho quyền lực của Hoàng đế. Nhiều đồ dùng của Hoàng đế Trung Quốc trong Tử Cấm Thành dùng số 9 để đặt tên như: Cửu Long Bôi (9 cốc rồng), Cửu Đào Hồ (ấm 9 quả đào), Cửu Long Trụ (cột 9 rồng).
Kiến trúc Tôn Giáo
Trong tất cả những điều chúng ta biết về Trung Quốc, đây là một trong những quốc gia có sự phát triển về tôn giáo mạnh mẽ nhất trên thế giới.Sự phát triển của kiến trúc Phật giáo Trung Quốc có thể bắt nguồn từ sự du nhập của Phật giáo từ gian đoạn Tam Quốc. Trung Quốc có hai tôn giáo lớn đó chính là Phật giáo và Đạo giáo, trong khi Phật giáo chọn kiến trúc cung đình còn Đạo giáo là thường dân.
Cấu trúc của các công trình Phật Giáo hay Đạo giáo đều tuân theo nguyên tắc đối xứng và bố cục xung quanh – phân bổ theo chiều ngang. Chẳng hạn Một tu viện Phật giáo lớn thường có sảnh trước đặt tượng Bồ tát, tiếp theo là sảnh lớn đặt tượng Phật. Khu vực ăn uống,nghỉ ngơi của tăng ni được bố trí ở hai bên mạn trái-phải. Phần mái chùa được làm bằng gạch men – tráng men, cấu trúc có phần uốn cong lên ở mái hiên với quan niệm xua đuổi tà ma.
Công trình Phật Giáo tiêu biểu có thể kế tên: Chùa Phổ Ninh – một trong những ngôi chùa lớn nhất phía Bắc Trung Quốc. Hay Phổ Đà Sơn được mệnh danh đất Phật linh thiêng bậc nhất Trung Quốc
Còn đối với kiến trúc Đạo Giáo theo phong cách nhà ở của thường dân. Hầu hết các ngôi đền Đạo giáo đều có khung bằng gỗ và có cấu trúc sân vườn. Đạo giáo hướng đến một một cuộc sống đầy ý nghĩa và lâu dài, chủ đề này được thể hiện rõ nét ở những chi tiết như cửa sổ, cửa ra vào, mái hiên và dầm của các công trình Đạo giáo được chạm khắc các ký tự Trung Quốc như Fu (phước lành), Shou (trường thọ), Ji (tốt lành).
Một số thánh địa Đạo giáo đặc trưng và nổi tiếng không thể bỏ qua của Trung Quốc như:
Vật liệu được sử dụng trong kiến trúc
Tiếp theo hãy cùng Conn Design tìm hiểu chi tiết hơn những vật liệu được sử dụng trong các công trình mang đậm tính chất lịch sử này nhé.
Gỗ
Chắc hẳn Gỗ là yếu tố hiện diện trong hầu hết các công trình kiến trúc có mặt tại Trung Quốc không chỉ ở những quy mô nhỏ như nhà ở – mà còn được sử dụng trong những công trình vô cùng vĩ đại như: Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành. Nhưng các bạn có thắc mắc vì sao và làm thế nào Gỗ luôn được ưu ái trong hàng ngàn năm đến nay? Hãy cùng CONN Design khám phá nhé
- Lý do đầu tiên đó chính là gỗ là một nguồn tài nguyên dồi dào ở Trung Quốc. Từ thuở sơ khai, các thung lũng dọc theo sông Hoàng Hà và sông Dương Tử đã nổi tiếng với các khu rừng vô cùng trù phú.
- Lý do tiếp theo sẽ có phần ảnh hưởng bởi triết học Trung Quốc cổ đại – họ cho rằng gỗ mang lại may mắn. Gỗ là một trong năm yếu tố ngũ hành đối với Trung Quốc – Gỗ còn là yếu tố đại diện cho mùa xuân và sự sống nên gỗ đặc biệt mang lại một ý nghĩa tốt lành nhất cho gia chủ. Và như Conn Design đã chia sẻ đặc trưng trong kiến trúc Trung Quốc có liên quan đến phong thủy, nên các tín đồ phong thủy cảm thấy rằng gỗ là một sự ưu tiên và bắt buộc phải có trong mỗi gia đình – công trình.
- Và cuối cùng một lý do rất thực tế đó chính là gỗ dễ sản xuất và rất dễ gia công. Với ưu điểm những khu rừng đại ngàn, trù phú – không khó để có thể khai thác gỗ. Thậm chí ở một số triều đại, hoàng đế đã từng ra sắc lệnh mỗi gia đình nên trồng cây để luôn đảm bảo hệ sinh thái cân bằng cũng như sẵn sàng cung cấp vật liệu xây dựng cho đất nước.
Khả năng gia công tốt của gỗ còn khiến tốc độ xây dựng của kiến trúc truyền thống Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với cấu trúc bằng đá và vữa của các nền văn minh khác.
Gạch và Đá từ thời nhà Đường
Triều đại nhà Đường, được gọi là “Thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc” do sự ổn định về kinh tế và chính trị, điều đó cho phép tất cả các loại hình nghệ thuật được đà phát triển. Từ đó, sự xuất hiện sản xuất gạch đã ra đời và áp dụng vào việc xây dựng các công trình, nhà ở thời ấy. Song song với gỗ, đá cũng dần trở thành một vật liệu phổ biến trong kiến trúc truyền thống, nhưng phần lớn đã sẽ được dùng để xây dựng những bức tường thành vững chắc ( chẳng hạn như Vạn Lý Trường Thành); hay những công trình đòi hỏi sự chắc chắn và lâu dài như cầu, chùa chiền. Văn hóa Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và trưởng thành hơn nữa trong thời nhà Đường, được coi là thời đại của những tiến bộ vượt bậc lúc bấy giờ.
Bởi lẽ việc sử dụng gỗ được nhà Đường cân nhắc và thay thế bởi vật liệu mới hơn, khác biệt hơn có lẽ cũng từ nguyên nhân việc lạm dụng và khai thác tài nguyên gỗ suốt một quá trình dài trong lịch sử – đã không còn đủ và với đặc tính gỗ dễ bị mai một theo thời gian ảnh hưởng đến chất lượng của công trình. về kiến trúc, thơ ca và các nghệ thuật khác.
Những ví dụ sớm nhất về quá trình chuyển đổi này có thể được nhìn thấy trong các dự án xây dựng như Cầu Triệu Châu năm 605 hoặc Chùa Xumi năm 636. Ngoài ra, việc sử dụng gạch và đá phổ biến hơn khi xây dựng các công trình lăng mộ bởi lẽ tính chất kiên cố, khó bị hao mòn theo thời gian. Họ quan niệm rằng, người đã khuất nên được chôn cất tại những khu vực thanh bình như đồi núi và được cất giữ ở nơi kiên cố, tránh tác động hay sửa sang khu vực lăng mộ.
Đất nện.
Nghe thì có vẻ xa lạ nhưng thật sự đất nện là một trong những vật liệu lâu đời nhất, tồn tại qua hàng ngàn năm nay và tiếp tục góp phần vào kiến trúc xanh. Ưu điểm của đất nện đó là chúng không chỉ trường tồn với thời gian mà còn thể hiện được nhiều tính năng vượt trội chẳng hạn như chi phí sử dụng khá kinh tế bởi các nguyên liệu thô luôn có sẵn và dễ khai thác, tuổi thọ cao và thân thiện với môi trường.
Đất nện là một kỹ thuật xây dựng nền móng, sàn hay tường bằng cách sử dụng các nguyên liệu thô như đất sét, đá, vôi, sỏi… Các nguyên liệu này sau khi trộn theo tỉ lệ sẽ được nén trong khuôn hoặc khung để tạo thành những bức tường vững chắc hoặc các khối riêng lẻ. Lại một lần nữa CONN Design lại nhắc đến công trình mang tính lịch sử “ Vạn Lý Trường Thành ‘’ bởi lẽ đây là một minh chứng điển hình khẳng định đồ bền bỉ của đất nện với thời gian.
4. Cấu trúc cơ bản trong công trình kiến trúc Trung Quốc
Từ góc độ cấu hình của tòa nhà, kiến trúc truyền thống Trung Quốc đã phát triển một đặc điểm đáng chú ý được chia thành 3 phần, mái nhà, thân và một lớp nền móng vững chắc.
Khung gỗ được sử dụng trong hệ thống xây dựng truyền thống, bao gồm mái và thân, bao gồm cột dọc và dầm ngang. Cách chồng chéo và nối khác nhau trên các cột, dầm và các yếu tố khác tạo ra hai hệ thống khung chính ở Trung Quốc. Hệ thống khung gỗ đảm nhiệm vai trò cung cấp sự linh hoạt cho việc bố trí tường, cửa sổ và cửa ra vào. Các bức tường không chịu lực có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, chẳng hạn như gạch, đất sét, gỗ, tre hoặc thậm chí là thân cây ngô hoặc bông.
Bởi Trung Quốc luôn phải hứng chịu những trận động đất nên kết cấu của tòa nhà được sử dụng hoàn toàn bởi hệ thống cột gỗ, dầm ngang & dǒugǒng (đấu củng) nhằm phục vụ mục đích chính đó là bảo vệ tòa nhà khỏi những thiệt hại do động đất gây ra. Như CONN Design đã giới thiệu hệ thống các khung gỗ sẽ được nhịp nhàng kết nối với nhau thông qua những khớp nối – vừa mang tính chất linh hoạt có thể dễ dàng tháo dỡ hay xây dựng lại.
Bên cạnh đó, như CONN Design đã chia sẻ đặc trưng trong kiến trúc Trung Quốc tồn tại đặc điểm Phân chia theo thứ bậc thì việc chọn phần mái ngói cho một công trình cũng tương tự như vậy. Cấu trúc xây dựng mái nhà của kiến trúc truyền thống Trung Quốc là một trong những cách thể hiện rõ nét nhất ở việc phân chia thứ bậc nghiêm ngặt. Nếu chỉ nhìn các công trình của Trung Quốc từ bên ngoài, điều khiến chúng ta dễ dàng nhận biết nhất cấu trúc xây dựng của Trung Quốc – đó chính là phần mái ngói cổ kính. Ngói là vật liệu phổ biến nhất được sử dụng cho mái nhà Trung Quốc cổ đại. Chúng cung cấp khả năng bảo vệ tốt khỏi lửa, không thấm nước và tính năng thoát nước tốt. Các tòa nhà dân cư không được phép sử dụng gạch tráng men màu vàng, được dành riêng để sử dụng cho các tòa nhà hoàng gia.
Được xếp hạng từ vị trí cao đến thấp, cấu trúc mái được phân chia thành 5 loại cơ bản như sau:
Cấu trúc mái cao cấp nhất của trung Quốc – Mái hông ( Hip roof ) – có năm gờ và bốn mặt, tất cả đều ở dạng dốc thoai thoải và đặc biệt được sử dụng gạch màu vàng – một màu sắc tượng trưng cho hoàng gia. Chỉ có hoàng gia và Khổng Tử mới có đặc quyền sử dụng kiểu cấu trúc mái như vậy.
Tiếp đến đó là Mái nhà hông và đầu hồi, với chín đường vân. Chủ yếu được sử dụng trong các tòa nhà quan trọng của cung điện, vườn và đền thờ.
Phổ biến và thường được thấy nhất đó chính là cấu trúc “ Xuan Shan Ding “ hay còn gọi là Mái đầu hồi có phần nhô ra phía ngoài, với một đường gờ chính và bốn đường gờ dọc, mục đích chính của đặc điểm này đó chính là bảo vệ gia chủ cũng như các cột, xà ngang khỏi mưa, đã được sử dụng rộng rãi khắp nơi ở phía Nam trung Quốc.
Cuối cùng là hai cấu trúc mái Ying Shan Ding hoặc Mái đầu hồi bằng phẳng – Phong cách kiến trúc này hiệu quả hơn trong việc chống cháy và đã được dân thường sử dụng ở những nơi khô hạn như khu vực phía bắc. Và cấu trúc mái hình nón, có đỉnh nhọn – cấu trúc này được sử dụng rộng rãi đặc biệt ở các khu vực chùa chiền.
Hi vọng qua bài viết sơ lược về kiến trúc cũng như lịch sử Trung Hoa đã mang đến cho các bạn những thông tin vô cùng hữu ích và mới mẻ. Nếu các bạn có những thông tin thú vị nào khác, hãy cùng trao đổi và bình luận dưới đây cho CONN Design biết nhé. Ở bài viết tiếp theo, CONN Design sẽ đưa các bạn đến với chuyên mục Thiết kế nội thất và các yếu tố đặc biệt mang đậm phong cách Trung Hoa, cùng theo dõi bài viết từ CONN Design sắp tới nhé!
(Nguồn: Sưu tầm)
Tôi là Trang, Founder của CONN Design - công ty chuyên thiết kế và thi công không gian kinh doanh. Tôi tốt nghiệp trường đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh và đam mê ngành thiết kế từ nhỏ. Tôi luôn mong muốn tạo ra những không gian đẹp, tiện nghi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng thiết kế là một ngôn ngữ không lời để thể hiện cá tính và giá trị của con người. Một câu châm ngôn về thiết kế mà tôi thích là: "Thiết kế không chỉ là những gì bạn nhìn thấy, mà còn là những gì bạn cảm nhận."
Trần Thị Hồng Trang
KHÁM PHÁ
Thiết kế nội thất - 17 Tháng Chín, 2023
Top các mẫu thiết kế bảng hiệu quán cafe theo xu hướng năm 2023
Thiết kế nội thất - 11 Tháng Chín, 2023
Tổng hợp những mẫu thiết kế quán cafe bình dân đẹp nhất 2023
Thiết kế nội thất - 10 Tháng Chín, 2023
30+ mẫu thiết kế văn phòng hiện đại đẹp, ấn tượng nhất 2023