Nhắc đến vương quốc Anh – điều khiến bạn nghĩ ngay đến đầu tiên trong đầu là gì? Là các thể loại âm nhạc, thời trang hay những món ăn vô cùng đặc sắc? Với CONN Design nói riêng và các thế hệ trẻ 8x 9x nói chung, những hình ảnh khi nhắc đến vương quốc Anh có lẽ là tòa tháp Big Ben(hay còn gọi Tháp Elizabeth), cầu tháp London vô cùng nổi tiếng có mặt hầu hết trong những bức ảnh và những bài báo khi nói về những địa điểm phải ghé thăm khi đặt chân đến đất nước Anh. Còn gì nữa không nhỉ? Những kiến trúc lâu đài, cung điện vô cùng bắt mắt và hùng vĩ, hay những khái niệm hoàng gia – nữ hoàng – tất cả những điều này là những đặc trưng vô cùng tiêu biểu khi nhắc đến Vương Quốc Anh đúng không nào.
Vương quốc Anh – láng giềng của Ý, Pháp – không chỉ riêng về văn hóa, về con người họ đều có nét tương đồng mà trong kiến trúc cũng như thế – đặc biệt là khi nói về lịch sử hình thành – từ những phong cách Phục Hưng, Gothic hay Baroque – những khái niệm quá đỗi quen thuộc với những bạn đã theo dõi chuỗi series video giới thiệu của CONN Design. Vậy nên trong video này, nội dung sẽ khác một chút với những video trước. Hãy cùng CONN Design khám phá các phong cách nhà ở từ giai đoạn xưa cho đến hiện đại – để hiểu thêm phong cách xây dựng nhà ở ở Vương Quốc Anh đã trải qua bao nhiêu thể loại và đã tiến hóa như thế nào trong 500 năm qua nhé.
Nội dung bài viết
1. Các kiểu kiến trúc nhà ở vương quốc Anh
Nhà kiểu Tudor (giai đoạn 1485-1560)
Sự tan rã của các kiến trúc Tu Viện dưới thời Henry VIII khi ông thành lập giáo hội Anh đã trở thành bước tiền đề cho sự ra đời của kiểu nhà Tudor bấy giờ. Nếu như trong kiến trúc Gothic nhấn mạnh vào việc khai thác các chi tiết để biểu trưng tầng lớp quý tộc,thì phong cách xây dựng nhà Tudor lại khác biệt hoàn toàn; phạm vi không quá rộng lớn nhưng vô cùng gần gũi và thân mật. Kiến trúc nhà Tudor tập trung vào các chi tiết: từ cửa sổ, cửa ra vào tuy có kích thước không quá lớn nhưng được chăm chút ở mặt trang trí tỉ mỉ và công phu hơn. Không còn sự hiện diện của những chiếc vòm nhọn của thời kỳ Gothic mà đã nhường chỗ cho sự ra đời của vòm Tudor dẹt. Mái vòm thường được trang trí bằng các tấm gỗ chạm khắc hoa văn từ đơn giản đến phức tạp.
Kiến trúc nhà ở theo phong cách Tudor có một điểm vô cùng nổi bật đó chính là kết cấu đặc trưng bởi tường viền khung gỗ và bên trong xây gạch, kết hợp cùng nhiều cửa sổ hình chữ nhật, cửa sổ lồi ra ở các tầng trên. Ngoài ra, ống khói cũng là một chi tiết không thể thiếu trong kiểu nhà ở Tudor – Thiết kế ống khói điển hình ở các nhà Tudor thường cao và hẹp và chúng luôn được trang trí bằng các mẫu hoa văn hoặc cấu trúc đối xứng tạo thành từ các viên gạch cắt hoặc gạch đã được đúc khuôn sẵn.
Mãi đến sau này, kiểu nhà Tudor rất được ưu ái ở các quốc gia châu Âu. Và không chỉ dừng lại ở đó, những nơi thuộc địa của anh như New Zealand, Úc hay thậm chí là ở Mỹ – các bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra kiểu nhà Tudor được hâm mộ rất nhiều.
Nhà kiểu Georgian (giai đoạn 1714-1790)
Bước sang thế kỷ 18, chứng kiến sự khởi đầu của cuộc Cách mạng Nông nghiệp và Công nghiệp, một tầng lớp trung lưu mới trỗi dậy tại London và hình thành những ngôi nhà kiểu Georgian. Kiểu nhà Georgian đặc trưng với kiểu mái tầng và mái sẽ có độ dốc hai bên cùng với cấu trúc mặt tiền đối xứng đã trở thành điều bắt buộc. Vật liệu chiếm ưu thế trong kiểu nhà Georgia được các quý tộc lựa chọn đó là xây dựng bằng gạch; những màu gạch đỏ nâu xếp chồng lên nhau kết hợp với khe vữa trắng rộng không còn xa lạ trong kiến trúc vương quốc Anh. Cho dù được dựng bằng ván lát hoặc gạch, ngôi nhà theo phong cách Georgian thường được ưu tiên xây dựng có các lối vào chính diện uy nghiêm. Những cánh cửa bằng gỗ ốp được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà và ngay bên trên một khung trang trí. Các chi tiết nhỏ như cửa sổ cũng sẽ là một trong những điều thú vị và dễ nhận biết khi nói đến kiểu nhà Georgia; các cửa sổ thường được căn chỉnh cả chiều ngang lẫn dọc tạo ra một tổng thể đối xứng, hài hòa. Bởi lẽ những chi tiết nhỏ nhưng được chăm chút như vậy, Georgian đã được công nhận là một thời kỳ tạo nên các tòa nhà thanh lịch, tinh tế không hề diêm dúa và xa hoa như lịch sử thời đại Baroque.
Nhà kiểu Victorian (giai đoạn 1839-1900)
Cũng đúng như tên gọi, đây là kiểu kiến trúc được ra đời dưới thời kỳ nữ hoàng Victoria cầm quyền & cũng chính là giai đoạn vương quốc Anh bước tới giai đoạn hoàng kim nhất. Phong cách Victorian là biểu tượng của sự giàu có, cao sang và đại diện cho tầng lớp hoàng gia, quý tộc. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi cách thức trang trí, thiết kế của phong cách này rất cầu kỳ, lộng lẫy với những cột trụ có bệ uy nghiêm, tráng lệ.
Đặc trưng cho phong cách nhà kiểu Victoria vẫn là những hình ảnh quen thuộc: mái dốc, đầu hồi, các góc bo tròn, có tháp để chuông hoặc gác mái. Kết hợp cùng hệ thống cửa sổ nhiều hình dạng phong phú, đặc biệt là cửa sổ lồi, kính màu sẽ được ưu tiên và vật liệu chủ yếu vẫn được sử dụng đó là gạch; nhưng để thể hiện sự quy mô cũng như sự giàu có mà giờ đây những viên gạch được sử dụng đầy màu sắc hơn cùng lối phong cách trang trí xa hoa hơn.
Các bạn biết không,đã từng có tuyên bố bởi nữ hoàng rằng đây là “đất nước mặt trời không bao giờ lặn” bởi sở hữu hệ thống thuộc địa khổng lồ. Thế nên, phong cách Victoria không chỉ nổi tiếng ở Anh quốc mà còn lan rộng ra các nước châu Âu, Bắc Mỹ cùng các nước thuộc địa. Bởi nguyên do này, sự cách biệt về địa lý và chịu tác động theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau, nhà Victorian còn được chia nhỏ và có sự phân biệt rõ ràng và nhất định về phong cách kiến trúc. Cụ thể các bạn có thể xem qua một số phiên bản phổ biến của kiểu nhà Victorian tiêu biểu sau đây:
Kiểu Gothic Revival (1830-1860)
Nhà Victoria kiểu Gothic Revival được lấy cảm hứng từ các nhà thờ, những lâu đài nguy nga giai đoạn Trung Cổ ở châu Âu. Chính vì vậy mà giai đoạn này đặc trưng của nhà Gothic Revival sẽ mang trong mình một phong thái rất cổ kính nhưng không kém phần lộng lẫy. Cấu trúc xây dựng phổ biến vẫn là mái dốc, vòm nhọn, đầu hồi hướng về phía trước, có những chi tiết trang trí bằng gỗ vẫn tôn được vẻ uy nghiêm và hoành tráng.
Phiên bản thứ 2 mà CONN Design muốn giới thiệu đến các bạn đó chính là kiểu Stick-Eastlake (1860-1890) hay còn được gọi là phong cách gỗ cắt tỉa. Nghe khá là xa lạ đúng không nào? Không cần phải giới thiệu thì các bạn cũng có thể biết đặc trưng của những ngôi nhà này là chúng được chủ yếu làm bằng gỗ. Nhà Stick-Eastlake có phần khung gỗ khá góc cạnh, những ngôi nhà theo phong cách Stick thường thể hiện sự nhấn mạnh theo chiều dọc, với cửa sổ cao, nhiều tầng. Ngoài ra, đặc trưng trong kiểu nhà này sẽ được bao phủ bởi những chi tiết trang trí cũng bằng gỗ; kết hợp cùng những hình ảnh mái dốc sắc nét được lợp ngói có kết cấu khác đặc trưng và khác biệt.
Kiểu Nữ hoàng Anne (1875-1905)
Tiếp theo đây, có lẽ là phiên bản nổi tiếng nhất trong tất cả các kiểu nhà theo phong cách Victoria. Nhà kiểu Nữ hoàng Anne xuất hiện phổ biến từ cuối triều đại Victoria, có đặc trưng là mái nhà có đầu hồi, tháp tròn, thường được xây dựng bằng gạch đỏ phong phú với hệ thống các cửa sổ lớn với chức năng và thiết kế giống nhau. Ngày nay, những ngôi nhà kiểu nữ hoàng Anne vẫn có thể được tìm thấy ở các khu vực lân cận như Chelsea, Kensington bởi đây là phong cách khá được ưa chuộng.
Và giai đoạn cuối cùng là phong cách Folk Victorian – hay còn gọi là phong cách Victorian dân gian (1870-1910) ra đời vào đầu thế kỷ 20 – đây được xem là một phiên bản đơn giản của nhà kiểu Victoria điển hình. Ngoài ra đây còn là một sự thay thế với chi phí xây dựng thấp hơn cho phong cách nữ hoàng Anne để có thể tiếp cận với tất cả mọi người một cách rộng rãi hơn. Diện tích, không gian nhà Folk Victoria thường nhỏ hơn, vuông vắn, thiết kế không quá cầu kỳ hay phức tạp. Sự lược bỏ những chi tiết như tháp hay gác mái của những kiểu nhà Victorian trước đã khiến Folk Victorian được yêu thích hơn hẳn bởi sự kết hợp hài hòa giữa sự sang trọng, thanh lịch nhưng không kém phần lãng mạn. Các cấu trúc xây dựng, chi tiết trục chính, giá đỡ và phào chỉ trang trí có thể được sản xuất hàng loạt và dễ dàng vận chuyển đến các cộng đồng trên khắp đất nước. Và đặc biệt hơn phong cách này vô cùng phổ biến tại nước Mỹ bởi sự trẻ trung hiện đại cũng như không quá cầu kỳ.
Nhà kiểu Ewardian (1900-1918)
Trong thời đại Edward, bắt đầu khi nhiều người từ chối việc sản xuất hàng hóa một cách hàng loạt, nghề thủ công và các hình thức xây dựng truyền thống đã được hồi sinh. Chính trong thời gian này, Phong trào Nghệ thuật và Thủ công đã dẫn đến sự gia tăng kiến trúc bản địa và đóng khung gỗ, đá cuội và gạch trở nên phổ biến. Phía ngoài của những ngôi nhà thời Edward vẫn trang trí đầy màu sắc nhưng các hoa văn và các chi tiết chạm khắc trở dịu dàng hơn so với thời Victoria. Với sự xuất hiện của khí đốt, và cuối cùng là ánh sáng điện cũng góp phần tạo nên trào lưu trang trí bằng giấy dán tường và lựa chọn rèm cửa với gam màu sắc sáng sủa hơn.
Sự tiến hóa và phát triển của nhà tại vương quốc Anh luôn giữ được sự sang trọng và quý phái dù cho ở bất kỳ giai đoạn nào. Không biết rằng các bạn thấy ấn tượng với kiểu nhà nào trong những kiểu nhà đã được CONN Design liệt kê? Hãy cùng bình luận dưới video để CONN Design biết nhé.
2. Các công trình tiêu biểu tại vương quốc Anh
Nếu như các bạn vẫn chưa có cơ hội ghé thăm vương quốc Anh – hãy tiếp tục theo dõi phần kế tiếp của video ngày hôm nay, CONN Design sẽ lần lượt dẫn các bạn tham quan các công trình kiến trúc tiêu biểu và nổi tiếng bậc nhất tại vùng đất xinh đẹp này.
Tháp Bigben
Big Ben là một tháp đồng hồ tuyệt đẹp – đã trở thành một trong những biểu tượng nổi bật nhất của không chỉ riêng London mà còn vương quốc Anh nói chung. Các bạn sẽ thấy biểu tượng này thường xuất hiện trong bối cảnh quay của các bộ phim lấy bối cảnh thành phố London. Nó được xây dựng ở đầu phía bắc của Cung điện Westminster vào năm 1859 và được coi là một kiệt tác của kiến trúc Gothic Revival. Thật kỳ lạ, mặc dù nhiều người gọi tháp đồng hồ là ‘Big Ben’, nhưng vào Tháng 06/2012, Big Ben đã chính thức được đổi tên thành Tháp Elizabeth để kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II.
Tháp đồng hồ Big Ben được thiết kế theo phong cách Gothic Revival -một phong cách kiến trúc phổ biến ở Anh trong thế kỷ XIX. Đó là một sự tôn kính đối với phong cách Gothic của thời trung cổ, các đặc điểm chính của Gothic Revival là cửa sổ hình mũi mác, đồ trang trí nặng nề, tháp nhọn và việc sử dụng các vật liệu tự nhiên như đá và sắt. Và điều khiến chiếc đồng hồ 4 mặt này trở nên đặc biệt các bạn có đoán được là điều gì không? Đó là sự cấu tạo mỗi mặt của chiếc đồng hồ được đặt vào trong một khối đá hình vuông có cạnh dài 7m, cùng với tổng cộng 576 miếng kính trong suốt, gần giống như kiểu các ô cửa sổ bằng kính có khắc những bức tranh ở nhà thờ Anh thời điểm đó. Xung quanh mặt đồng hồ được khắc những đường viền tạo thành một chiếc khung. Cạnh dưới của khung ở mỗi mặt đồng hồ có khắc dòng chữ: “DOMINE SALVAM FAC REGINAM NOSTRAM VICTORIAM PRIMAM” có nghĩa là: “Xin chúa hãy bảo vệ cho nữ hoàng Victoria của chúng con”.
Cầu tháp London
Cầu Tháp được thiết kế bởi Sir Horace Jones vào năm 1894 – bắc ngang dòng sông Thames thơ mộng – đã trở thành một trong những biểu tượng độc đáo và thu hút khách du lịch khắp nơi trên toàn thế giới. Cầu Tháp là một trong những tòa nhà cuối cùng ở Luân Đôn được xây dựng theo phong cách Neo Gothic, hay còn gọi là phong cách Gothic Phục hưng, phổ biến từ giữa thế kỷ 18 đến những năm 1930.
Phong cách Neo-Gothic thường được đặc trưng bởi các mái vòm nhọn, tháp pháo hay các tòa tháp. Riêng đối với cầu tháp London được cấu tạo bởi hai tòa tháp hai bên – cả hai đều cao 65 mét -được xây dựng trên các trụ cầu đã bị chìm xuống lòng sông.Hai nhịp bên của cây cầu dài 240m này là cầu treo, mỗi nhịp dài 82m.
Các lối đi nằm ở độ cao khoảng 42 mét so với sông Thames. Giờ đây, hơn 128 năm sau, Cầu Tháp vẫn kiên cố và đẹp đẽ như ngày nào, minh chứng cho đỉnh cao về chất lượng thiết kế và xây dựng của vương quốc Anh.
Tháp London
Tháp London hay còn gọi là Cung điện và pháo đài của Nữ hoàng, công trình kiến trúc nổi bật này là một di tích lịch sử nằm ở trung tâm thành phố London (Anh), bờ Bắc sông Thames.
Vị trí địa lý của tháp London mang tính chiến lược – thực tế tháp London nằm ở cửa ngõ vào vương quốc Norman, bên cạnh một khúc quanh bờ bắc sông Thames – đây được xem là vị trí quan trọng; đóng vai trò bảo vệ cho thành phố thông qua cấu trúc của một pháo đài phòng thủ. Ngoài ra còn nắm giữ trọng trách là một đơn vị đồn trú, kiểm soát người dân và các phương tiện trong thành phố. Tháp London được xem là niềm tự hào của người dân nước Anh.
Công trình kiến trúc này đã được khởi công xây dựng từ năm 1078. Tháp mang kiến trúc kiểu Normandy – với những viên đá hình vuông vô cùng rắn chắc, thể hiện được sự mộc mạc, giản đơn nhưng không kém phần vững chãi.
Vật liệu chính được sử dụng cho công trình Tháp London hoàn toàn bằng đá ngũ sắc. Về hình dạng, tháp có dạng hình vuông với kích thước ngang 32 mét, dài 36 mét với chiều cao 27 mét. Tháp nằm sừng sững vươn lên bầu trời và du khách tham quan không thể không trầm trồ bởi sự kiên cố và vững chãi của nó.
Đến năm 1988, UNESCO đã công nhận tháp London chính là di sản thế giới. Ngày nay, bên cạnh Cầu tháp, BigBen thì tháp London cũng là một trong những điểm đến du lịch chính nhất của Vương Quốc Anh – nếu có cơ hội các bạn đừng bỏ lỡ 3 tuyệt tác của nhân loại này nhé.
Cung điện Buckingham
Đặc sản của vương quốc Anh không dừng lại ở đó mà còn nổi tiếng với vô vàn cung điện, lâu đài hoàng gia. Và một trong những cung điện hoàng gia nổi tiếng nhất mà các bạn không thể bỏ qua đó chính là cung điện Buckingham.
Cung điện Buckingham đã trải qua rất nhiều thay đổi trong những năm qua – bắt đầu là Ngôi nhà Buckingham đẹp đẽ được xây dựng vào năm 1703 dành cho Công tước đầu tiên của Buckingham và Normanby, nay nó đã được tu sửa, xây dựng lại, mở rộng, nâng cấp và tái tạo bề mặt, kết quả mang lại đó là công trình cung điện vô cùng lộng lẫy – tráng lệ. Đây cũng là nơi thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm và là nơi ở chính thức của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị.
Cung điện Buckingham khiến du khách phải choáng ngợp khi tận mắt chiêm ngưỡng những chi tiết vô cùng quý phái như: những chiếc cầu thang uốn cong được làm từ đá cẩm thạch và được lót thảm đỏ vô cùng sang trọng. Nội thất bên trong cung điện được trang trí xa hoa theo kiến trúc Tân cổ điển sang trọng.
Diện tích sàn của cung điện Buckingham lên tới 77.000m2. Tại đây có tất cả 19 phòng khách, 52 phòng ngủ dành cho khách và các thành viên trong hoàng gia, 78 phòng tắm, 188 phòng dành cho nhân viên của cung điện, 92 phòng làm việc.
Tùy vào chức năng của mỗi phòng sẽ được sử dụng cho tùy từng mục đích khác nhau, chẳng hạn như các bạn sẽ có thể thấy những căn phòng tiêu biểu như: phòng 1844 – nơi Nữ hoàng sẽ tiếp đón những vị khách đặc biệt, phòng Ngai vàng – nơi gặp gỡ và tiếp đãi của hoàng gia hay phòng Quốc Yến – nơi diễn ra các buổi quốc yến của hoàng gia Anh.
Lâu đài Windsor
Chắc không ai xa lạ với lâu đài Windsor – được mệnh danh là lâu đài lớn nhất thế giới còn có người ở. Dù cách xa trung tâm London nhưng đây là chốn nghỉ ngơi ưa thích của Nữ hoàng Anh và cũng là công trình gắn với lịch sử đảo quốc này trong suốt gần 1000 năm qua. Với diện tích khổng lồ hơn 5 hecta, tòa lâu đài sừng sững được bao bọc bởi khuôn viên cây xanh mát tạo nên khung cảnh xinh đẹp tựa như lâu đài cổ tích.Về kiến trúc, lâu đài dựa trên cấu trúc thời Trung cổ, với các tính năng theo hơi hướng Gothic nhưng được cải tiến theo phong cách hiện đại hơn.
Ngoài ra lâu đài Windsor còn nổi tiếng với công trình Nhà nguyện St. George – được xây dựng vào thế kỷ thứ 13 – đây là một tuyệt tác lộng lẫy trong quần thể kiến trúc nổi tiếng Anh Quốc. .Không chỉ nổi bật bởi là nhà thờ thánh, nơi diễn ra những hôn lễ mang cấp quốc gia mà nơi đây còn được nhiều khách du lịch quan tâm bởi kiến trúc Gothic. Sự nguy nga, lộng lẫy của nhà thờ được tả thật đúng nghĩa với bức trần bằng đá không thể tìm thấy ở bất cứ công trình nào khác.
3. Thiết kế nội thất
Đặc trưng trong thiết kế nội thất kiểu Anh
Các bạn có thắc mắc vì sao thiết kế nội thất mang phong cách Anh quốc hiện nay rất được ưa chuộng và trở thành những từ khóa tìm kiếm trên khắp các trang mạng xã hội hay không. Theo CONN Design, có lẽ hai điều khiến phong cách Anh Quốc trở nên được ưu ái bởi nét độc đáo mang hơi thở hoàng gia kết hợp cùng phong cách tân cổ điển được áp dụng trên từng chi tiết trong không gian nhà ở. Với những đường nét đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng vẫn mang lại một không gian đẳng cấp và sang trọng – đây là những tiêu chí đang trên chiều phát triển rõ rệt. Vậy hãy cùng CONN Design điểm qua những đặc trưng tiêu biểu khi thiết kế nội thất phong cách Anh Quốc nhé:
- Đầu tiên, như đã chia sẻ phong cách Anh Quốc mang đậm nét tân cổ điển, thế nên những đường nét được lựa chọn đã không còn rườm rà và mang đường nét tối giản nhưng không kém phần nổi bật.
- Không gian cũng được sắp xếp theo từng khu vực riêng biệt, được bố trí một cách hài hòa và cần đảm bảo sự cân đối khi lựa chọn hay thêm thắt những chi tiết trang trí. Mục đích của việc này sẽ đem lại cho không gian một vẻ đẹp vô cùng tinh tế, một không gian được sắp xếp gọn gàng sẽ gia tăng thêm tính hiện đại cũng như cao cấp.
- Về việc lựa chọn gam màu chủ đạo, như các bạn cũng hình dung phong cách Anh Quốc sẽ sử dụng những gam màu quý tộc, vua chúa như những gam màu trung tính, trầm như xám, đen, đỏ đô kết hợp các họa tiết, chi tiết trang trí vàng ánh kim, kem hoặc trắng để tạo ra không gian sang trọng vượt bậc. Hãy chú ý đến việc sử dụng như gam màu vàng ánh kim, ghi, nâu sáng để tạo điểm nhấn và khiến không gian trở nên lộng lẫy và quý phái hơn nhé.
- Ngoài màu sắc ra, thì chất liệu cũng chiếm một vai trò vô cùng quan trọng. Những chất liệu cao cấp được sử dụng trong phong cách hoàng gia như đá hoa cương, da, gỗ tự nhiên hay những chi tiết trang trí bằng đá cẩm thạch. Không dừng lại ở đó, các bạn có thể thêm một ít chất liệu vải lụa, nhung hay thổ cẩm tự gia công sẽ mang đến sự mềm mại trong không gian nhưng cũng không kém phần tinh tế.
- Việc lựa chọn họa tiết, hoa văn cũng cần được chắt lọc mang hơi hướm hoàng gia; như việc điêu khắc những chi tiết lượn sóng, hay cách điệu nhẹ nhàng những hình học đơn giản.
- Cuối cùng phải nói đến việc lựa chọn đồ nội thất kiểu Anh; điểm chung của các đồ nội thất Anh đa phần sẽ được trang trí hoặc thiết kế rất công phu; không bàn đến chuyện kiểu dáng có cồng kềnh hay thanh mảnh, từng chi tiết nhỏ cũng sẽ được chăm chút vô cùng tỉ mỉ. Những chiếc ghế sofa, bàn ăn được ưu tiên làm từ gỗ tự nhiên tối màu. Ngoài ra, nội thất theo phong cách Anh ưa ánh sáng dịu, thế nên thay vì chỉ có một nguồn sáng chính, các bạn nên ưu tiên nhiều loại đèn trang trí xung quanh không gian. Và đừng quên chi tiết rèm cửa nhé, rèm cửa là yếu tố khá được ưu thích, đặc biệt rèm được làm bằng các loại vải, xếp nếp và treo trên các thanh mạ vàng, góp phần gia tăng thêm sự sang trọng.
Các phong cách thiết kế nội thất
Đối với vương quốc Anh, kiểu thiết kế nội thất mang phong cách cổ điển hay tân cổ điển đều rất phổ biến và CONN Design cũng đã giới thiệu cho các bạn qua những video trước về cách áp dụng những chi tiết, chất liệu để định hình nên phong cách. Hôm nay riêng về Anh Quốc, CONN Design muốn giới thiệu đến các bạn 2 loại hình thiết kế nội thất tuy nghe tên có vẻ mới mẻ nhưng chắc chắn rằng cũng có kha khá các bạn yêu thích và lên kế hoạch thiết kế tổ ấm của mình theo 2 phong cách này.
Thiết kế nội thất kiểu Victorian
Phong cách Victorian như đã chia sẻ – là biểu tượng của sự giàu có, cao sang và đại diện cho tầng lớp quý tộc. Trải qua thời gian dài, phong cách này đã dần trở nên đơn giản và bình dị hơn với thời hiện đại. Các bạn hãy cùng điểm qua những yếu tố để định hình phong cách thiết kế nội thất kiểu Victorian nhé:
- Đầu tiên phải nói về màu sắc: gam màu thường gặp trong phong cách Victorian là những gam màu nhẹ nhàng, dịu dàng như hồng phấn, ghi xám, vàng kem… Nếu bạn là người có cá tính mạnh thì có thể sử dụng những tone màu nổi bật như đỏ tía, đỏ ruby, xanh lá cây, xanh nước biển. Bên cạnh đó, 2 loại chất liệu chính được sử dụng là gỗ và vải có hoa văn. Trong đó, vải có hoa văn thường dùng vải lụa tơ tằm hoặc nhung dày.
- Hệ thống chiếu sáng cũng góp phần quan trọng và cần thiết: các bạn có thể sử dụng hệ thống đèn trang trí, đèn chân nến và đặc biệt sử dụng ở các khu vực như phòng ăn, phòng khách, phòng khách và lối vào. Đèn Tiffany (với chao đèn làm bằng thủy tinh) là một phong cách phổ biến của thời đại không chỉ cho đèn bàn hoặc đèn đứng mà còn cho đèn treo tường và đèn chùm.
- Riêng về nội thất hay rèm cửa, hãy ưu tiên sử dụng đồ nội thất được chạm khắc và thiết kế một cách tỉ mỉ. Một chiếc rèm cửa được treo trên thanh mạ vàng sẽ góp phần tạo ra không gian cổ điển. Và một trong những nét đặc trưng của Victorian chính là chiếc lò sưởi. Một căn phòng theo phong cách hoàng gia sẽ không hoàn chỉnh nếu như thiếu đi lò sưởi tại phòng khách – góp phần mang đến vẻ thanh tú cũng như ấm áp cho không gian.
- Giấy dán tường thường được sử dụng trong phong cách Victorian, vì sự tiện dụng và tạo nên nét thẩm mỹ riêng biệt. Các gia chủ thường sử dụng giấy dán tường in hình hoa cỏ, động vật như hươu nai hoặc chim bay. Sử dụng những gam màu trung tính lạnh để làm nền nổi bật lên các họa tiết và hoa văn trên nhung.
Thiết kế nội thất kiểu Art Deco
Khi nhắc đến Art Deco – là gợi lên hình ảnh một không gian nội thất được thiết kế vô cùng lộng lẫy và công phu. Phong cách thiết kế nội thất Art dDeco khoác lên mình sự sang trọng, quyến rũ. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi phong cách này đã được phổ biến rộng rãi như là một khuôn mẫu của sự sang trọng và được rất nhiều người yêu mến.
- Yếu tố màu sắc trong phong cách thiết kế nội thất Art Deco nên được chú trọng thể hiện sự tương phản, với sự kết hợp của các tông màu đơn sắc cùng với những tông màu sống động để hoàn thiện bức tranh tổng thể, Với các màu chính, các bạn hãy nghĩ đến màu đen, trắng, xám hoặc be vì những màu này được ưu tiên trong kiểu Art Decor. Còn riêng với những mảng được làm điểm nhấn, các bạn hãy chọn những tông màu tương phản hoặc bổ sung cho mảng màu chính đã chọn. Ví dụ: bạn có thể kết hợp màu be với các tông trang sức đậm như vàng ánh kim, xanh sapphire, đỏ ruby, tím thạch anh tím hoặc xanh ngọc lục bảo. Ngoài ra, các bạn đừng quên các điểm nhấn kim loại bằng vàng, bạc, đồng thau hoặc crôm cũng là những điểm nhấn hoàn hảo giúp tăng thêm vẻ quyến rũ.
- Đồ nội thất theo phong cách trang trí nghệ thuật có quy mô lớn, vậy nên nếu như không gian cho phép các bạn có thể tự do chọn cho mình những đồ nội thất từ bộ ghế sofa, bàn ăn, tủ..có kích thước lớn và hoành tráng.
- Về mảng họa tiết, các họa tiết có góc cạnh như hình chữ V, mô hình về hình học hoặc họa tiết động vật trên đồ nội thất, tường hoặc vật trang trí để thêm nhiều họa tiết hơn cho căn phòng.
- Cuối cùng là hệ thống chiếu sáng trong phong cách nội thất Art Deco cần được thiết kế một cách hợp lý và lựa chọn ánh sáng phù hợp với tổng thể – các bạn không nên quá lạm dụng những hệ thống đèn chùm quá lớn, chỉ nên ưu tiên các sản phẩm đèn trang trí vừa phải nhưng được thiết kế những hình dáng sáng tạo, nhưng phù hợp với giấy dán tường hoặc các vật dụng trang trí nội thất khác trong nhà.
Hãy cho CONN Design biết bạn thấy thế nào về phong cách thiết kế nội thất Art Deco cũng như Victorian nhé. Nếu đã lựa chọn được phong cách riêng cho mình, hãy bắt tay vào thay đổi ngay không gian sống của mình để cảm nhận được sự tinh tế nhưng không kém phần lãng mạn mà vương quốc Anh đã mang lại. CONN Design hi vọng thông qua video này, ngoài việc đem đến cho các bạn những đặc trưng và lưu ý khi lựa chọn phong cách nội thất kiểu Anh; còn đem đến cho các bạn một làn gió mới, nguồn cảm hứng mới cho không gian sống của mình. Và đừng quên đội ngũ CONN Design – với kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức chuyên sâu sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho các bạn mọi lúc mọi nơi.
(Nguồn: Sưu tầm)
Tôi là Trang, Founder của CONN Design - công ty chuyên thiết kế và thi công không gian kinh doanh. Tôi tốt nghiệp trường đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh và đam mê ngành thiết kế từ nhỏ. Tôi luôn mong muốn tạo ra những không gian đẹp, tiện nghi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng thiết kế là một ngôn ngữ không lời để thể hiện cá tính và giá trị của con người. Một câu châm ngôn về thiết kế mà tôi thích là: "Thiết kế không chỉ là những gì bạn nhìn thấy, mà còn là những gì bạn cảm nhận."
Trần Thị Hồng Trang
KHÁM PHÁ
Thiết kế nội thất - 17 Tháng Chín, 2023
Top các mẫu thiết kế bảng hiệu quán cafe theo xu hướng năm 2023
Thiết kế nội thất - 11 Tháng Chín, 2023
Tổng hợp những mẫu thiết kế quán cafe bình dân đẹp nhất 2023
Thiết kế nội thất - 10 Tháng Chín, 2023
30+ mẫu thiết kế văn phòng hiện đại đẹp, ấn tượng nhất 2023