Nếu như được hỏi bạn cảm thấy ngưỡng mộ điều gì nhất ở đất nước Pháp, bạn sẽ trả lời điều gì? Ẩm thực, thời trang, nghệ thuật hay rượu vang? Không thể kể hết tất cả những giá trị đặc sắc mà đất nước Pháp đã mang lại cho thế giới trong mọi lĩnh vực. Nhưng các bạn đừng quên đến lĩnh vực kiến trúc của Pháp nhé. Xuyên suốt lịch sử, kiến trúc Pháp đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là cái nôi khai sinh ra các phong cách kiến trúc nổi bật – không những vậy kiến trúc Pháp còn chứng minh được mình là một hình mẫu – là nguồn cảm hứng cho cả thế giới. Hôm nay hãy cùng CONN Design khám phá về hành trình cũng sự phát triển của kiến trúc Pháp đã thay đổi như thế nào nhé.
Nội dung bài viết
1. Lịch sử
Vẫn như các video khác, phần mở đầu CONN Design muốn giới thiệu với các bạn các cột mốc lịch sử trong kiến trúc Pháp. Hầu hết các thời kỳ và phong cách trong suốt những giai đoạn này đều được đặt tên và chịu ảnh hưởng của các vị vua trị vì của Pháp. Dù cho mỗi thời kỳ đều có những thay đổi về mặt trang trí, nhưng có một điều vẫn không hề thay đổi trong lối kiến trúc Pháp – đó chính là tình yêu của sự lãng mạn và sự sắp xếp trật tự trong lối xây dựng.
Galo-Roman
Câu chuyện về kiến trúc Pháp bắt đầu từ thời kỳ La Mã, khi vùng Gaul nằm dưới sự cai trị của Đế chế La Mã – tàn dư của một số thiết kế Galo-Roman đáng chú ý ở Pháp đã may mắn được bảo tồn, chẳng hạn như:
Amphitheatre of Nîmes: đấu trường Arenes de Nimes được xây dựng vào thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên với vật liệu chính là sử dụng đá từ các mỏ đá địa phương – đây là một trong những đấu trường La Mã còn sót lại và được bảo tồn cho tới ngày nay. Suốt hàng nghìn năm tồn tại, đấu trường này đã nhiều lần được trùng tu để phục vụ những mục đích khác nhau: từ đấu trường cho đến pháo đài và cả lâu đài hoàng gia.
Hay đền Maison Carrée – đây chắc chắn là một trong những ngôi đền được bảo tồn tốt nhất và trang nhã nhất mà nền văn minh Gallo-Roman đã để lại cho chúng ta. Trong thời gian này, đặc điểm kiến trúc Pháp cổ dễ nhận ra nhất chính là việc sử dụng các khối bê-tông, kết hợp với vòm các cột được chạm khắc tỉ mỉ. Không khó để nhận ra, kiến trúc Pháp cổ được thừa hưởng những giá trị tinh hoa nhất của kiến trúc cổ điển Hy Lạp – La Mã với vẻ đẹp thần thoại ma mị, thể hiện được giá trị, đẳng cấp bậc nhất của những người xây dựng.
Tiền-Romanesque
Sau sự thống nhất của vương quốc Frankish dưới thời Clovis I (465–511), người ta đã chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng các nhà thờ và tu viện. Trong thời kỳ này, các kế hoạch xây dựng nhà thờ, tu viện được mở rộng dựa trên truyền thống vương cung thánh đường La Mã.
Phong cách này được xác định vào khoảng thế kỷ thứ 8 và được đặc trưng bởi các cấu trúc hình vuông, trông chắc chắn, thường có mái vòm. CONN Design có thể giới thiệu cho các bạn những hình ảnh của Tu viện St. Germain des Pres nằm ở Paris và được thành lập vào thế kỷ thứ 6 là một ví dụ. Hay một nhà thờ hiếm hoi còn sót lại từ thời đại này là nhà thờ Saint Peter (Saint-Pierre-le-Bas) ở Vienne, Lyon.
Romanesque
Phong cách thống nhất đầu tiên xuất hiện ở châu Âu vào thời Trung cổ là phong cách Romanesque. Thật trùng hợp sau sự sụp đổ của người la Mã, phong cách Romanseque lại hình thành & cái tên này nếu các bạn dịch ra nghĩa đen sẽ là “hậu duệ của La Mã” – thật thú vị phải không nào.
Quá trình phát triển của kiến trúc Pháp cũng gắn liền và mang đậm dấu ấn của phong cách Romanesque – mang một cấu trúc được xác định rõ ràng, kế hoạch có phương pháp và hình thức đối xứng với các đặc điểm như vòm tròn hình bán nguyệt, hầm hình thùng, mái vòm trang trí, tường dày và tháp lớn. Từ đầu thế kỷ 13 trở đi, các công trình ngày càng được trang trí bởi các tháp nhọn và chóp dài. Những đặc điểm này đã tạo động lực cho phong cách Gothic dễ nhận biết sau này.
Công trình tiêu biểu còn sót lại ở châu Âu được chú ý về chất lượng và số lượng các tác phẩm điêu khắc mang phong cách La Mã mà CONN Design muốn giới thiệu với các bạn đó là nhà thờ cũ của tu viện, Saint-Sernin Tọa lạc tại Toulouse, Pháp. Đặc trưng cấu trúc có hình dạng cây thánh giá, trần nhà hình vòm, chứa các nhà nguyện tỏa sáng để trưng bày các thánh tích. Tháp chuông bên ngoài hơi nghiêng về phía tây, với vẻ ngoài cổ kính và mang đậm phong cách Romanesque.
Gothic
Mãi sau đó, từ giữa thế kỷ 12 cho đến năm 1500, kiến trúc Gothic của Pháp đã ra đời và nhanh chóng chiếm ưu thế ở châu Âu. Cho đến ngày nay, nó vẫn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của phong cách Pháp với nét độc đáo, riêng biệt. Thật thú vị, thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào thời Phục hưng, và trước đây được gọi là Opus Francigenum – có nghĩa là tác phẩm của Pháp. Phong cách kiến trúc này thường gắn liền với các nhà thờ lớn của Pháp vì rất nhiều công trình được xây dựng trong thời Trung Cổ. Những tòa nhà này được trang trí khá công phu và ấn tượng. Điều này đặc trưng cho phong cách Gothic. Các ngọn tháp hẹp hơn và trông tinh tế hơn so với những ngọn tháp trong thời kỳ La Mã.
Các bạn biết không,kiến trúc Gothic theo lịch sử được chia thành các phong cách riêng biệt, bao gồm Early Gothic, High Gothic, Rayonnant và Late or Flamboyant. The Early one là sự kế thừa trực tiếp của kiến trúc Romanesque, với việc sử dụng vòm nhọn làm một yếu tố và nhấn mạnh vào chiều cao của tường và trần nhà. Hóa ra, yếu tố cấu trúc này đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng nhất của kiến trúc Gothic, thậm chí thường được sử dụng như một vật phẩm trang trí.
Hai phong cách Kiến trúc Pháp khác của thời kỳ này, Rayonnant và Flamboyant mà CONN Design vừa nhắc đến, đều bắt nguồn từ kiến trúc High Gothic, nhưng những người xây dựng nó quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh trang trí hơn là các khía cạnh cấu trúc. Thời kỳ Rayonnant trùng hợp với một số đổi mới liên quan đến kính và kính cửa sổ, góp phần ảnh hưởng đến sự thay đổi trong thiết kế cửa sổ giai đoạn đó. Họ đã sử dụng các cửa sổ lớn hơn, kèm theo một sự thay đổi đáng kể trong thiết kế hoa văn trên cửa sổ.
Các công trình tiêu biểu mà chúng mình có thể kể tên cho các bạn bao gồm:
Nhà thờ Chartres, – một ví dụ nổi tiếng thế giới về công trình kiến trúc Gothic tuyệt đẹp, cách Paris không xa – đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật Gothic Pháp. Cấu trúc gian giữa rộng lớn, theo phong cách ogival thuần túy, hiên nhà được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc tinh xảo từ giữa thế kỷ 12 và các cửa sổ kính màu tráng lệ từ thế kỷ 12 và 13, tất cả kết hợp với nhau và biến Nhà thờ Chartres thành một kiệt tác.
Và tất nhiên không thể thiếu đó là Nhà thờ Đức Bà Paris hay nhà thờ Canterbury – Ngày nay Nhà thờ Đức Bà Paris được coi là một trong những ví dụ điển hình nhất về tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc Gothic của Pháp, nổi bật về quy mô, sự cổ kính và kiến trúc thú vị. Ngoài ra, nhà thờ Đức bà Paris còn nổi tiếng với việc tiên phong sử dụng vòm sườn và trụ bay, cửa sổ hoa hồng khổng lồ và đầy màu sắc, cũng như chủ nghĩa tự nhiên và sự phong phú của trang trí điêu khắc.
Phục hưng(Renaissance)
Chúng ta hãy cùng đi tiếp đến khoảng độ vào cuối những năm 1400 và đầu những năm 1500, khi người Pháp đã tiến hành nhiều cuộc xâm lược vào Ý – nơi khởi nguồn của kiến trúc Phục hưng. Chính trong các chiến dịch quân sự này, các vị vua và giới quý tộc Pháp lần đầu tiên được tiếp xúc với kiến trúc Phục hưng của Ý, một phong cách mà giờ đây họ muốn xây dựng tài sản của mình. Từ khoảng năm 1530, vua Pháp Francis I đã mời nhiều kiến trúc sư, nghệ nhân và nghệ sĩ người Ý đến Pháp, những người này đã thiết kế và trang trí thêm các tòa nhà theo phong cách Phục hưng của Ý. Tuy nhiên, khi thời kỳ trôi qua, kiến trúc thời Phục hưng Pháp ngày càng mang phong cách Pháp đặc trưng hơn. Phong cách Phục hưng Pháp kết hợp các yếu tố cổ điển như cột, mặt tiền cân đối, các cấu trúc cột được sắp xếp lặp đi lặp lại và các họa tiết cổ điển, đồng thời đáng chú ý vẫn là sự ảnh hưởng của phong cách Gothic.
Một số lâu đài hoàng gia đáng chú ý theo phong cách này đã được xây dựng ở Thung lũng Loire, nổi bật là Château de Montsoreau, Château de Langeais, Château d’Amboise, Château de Blois, Château de Gaillon và Château de Chambord
Baroque
Dưới triều đại của ba vị vua Pháp nổi tiếng có tên giống nhau là Louis XIII, XIV và XV, một thời kỳ Baroque của Pháp đã nở rộ. Được phát triển từ phong cách Phục Hưng, phong cách Baroque của Pháp gợi lên cho chúng ta sự hùng vĩ, tráng lệ – cũng không có gì ngạc nhiên khi phong cách này thịnh hành dưới thời trị vì của ba vị vua nổi tiếng.
Kiến trúc Baroque của Pháp tiếp tục sử dụng một số yếu tố được tìm thấy trong kiến trúc Phục hưng của Pháp cụ thể như việc sử dụng chủ đề cổ điển, cột và cấu trúc các cột ở mặt tiền được xây dựng lặp đi lặp lại, cấu trúc đối xứng, có trật tự, nhưng đồng thời cũng cực kỳ phức tạp trong trang trí.Sẽ rất dễ dàng để bạn có thể thấy những mái nhà hình vòm, mặt tiền chi tiết, tranh tường và bích họa trên trần nhà, mái nhà, cửa ra vào và phong cách trang trí mạ vàng. Những ví dụ điển hình là Château de Maisons ở Maison-Lafitte, ngoại ô Paris, Les Invalides, ở Paris (với mái vòm bằng vàng) và cung điện Versailles. Trong thời đại này, người ta chú trọng nhiều hơn đến các cấu trúc ngoài thánh đường, bao gồm cả việc ưu tiên thiết kế các khu vườn lâu đài tráng lệ. Cũng chính ở giai đoạn này, một số ngôi sao kiến trúc đã xuất hiện, bao gồm François Mansart, người đã phổ biến những mái nhà dốc được đặt theo tên của ông (mái nhà mansard) và nhà tạo cảnh André Le Nôtre, bậc thầy của khu vườn trang trọng kiểu Pháp (jardin à la française). Cung điện Vaux-le-Vicomte là một ví dụ tuyệt vời về phong cách Baroque với những khu vườn tuyệt đẹp được thiết kế bởi André le Nôtre.
Rococo
Nếu như trong khi thời kỳ Phục hưng và Baroque ban đầu đều gắn liền với Ý, thì Rococo lại mang đậm hơi thở Pháp hơn ngay từ đầu. Trong khi phong cách Baroque được xem là vui tươi hơn trong bối cảnh giai đoạn Phục hưng khắt khe thì kiến trúc Rococo ( hay còn được gọi là Hậu Baroque ) là một phong cách kiến trúc trang trí, rực rỡ, chi tiết phức tạp và cấu trúc không đối xứng đã xuất hiện vào thế kỷ 18 ở Paris và lan rộng khắp Pháp và Châu Âu.
Nếu có dịp ghé thăm Paris, hãy chắc chắn rằng các bạn có thể dành thời gian để tham quan và chiêm ngưỡng Cung điện Versailles – Versailles là ví dụ xa hoa nhất về kiến trúc của Pháp mà bạn có thể tìm thấy. Một công trình toát lên vẻ quyến rũ và lộng lẫy cực kỳ sẽ không khiến các bạn thấy lãng phí thời gian đâu. Ngay cả sau hơn 300 năm, nó vẫn là nguồn cảm hứng thiết kế tuyệt vời cho những người sáng tạo trên khắp thế giới.
Tân cổ điển
Thật đáng tiếc khi Rococo nhanh chóng bị thay thế bởi phong cách Tân Cổ Điển (Neoclassical). Rococo đã bị lên án gay gắt bởi chế độ cầm quyền lúc bấy giờ dưới sự cai trị của Louis XVI, và chủ nghĩa tân cổ điển đã xuất hiện như một cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn và sắp xếp lại trật tự vốn có. Không còn những cấu trúc bất đối xứng hay màu sắc lòe loẹt. Việc quay trở lại với một thiết kế trang nhã hơn được xem là điều cần thiết để tách mình ra khỏi sự thái quá của Rococo, họ chuyển sang những biểu tượng tân cổ điển an toàn hơn. Phong cách Tân cổ điển dần trở nên rất thịnh hành ở Châu Âu và Bắc Mỹ trong suốt thế kỷ 19. Mặc dù mang sắc thái khác nhau ở mỗi nước nhưng nét cơ bản của phong cách này là phục hưng những giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc của kiến trúc cổ điển Hy Lạp, La Mã tới những biến thái của chúng sau này như Phục Hưng, Baroque hay chủ nghĩa Cổ điển Pháp thế kỷ 17-18.
Giai đoạn thế kỷ 19
Tiếp theo đó vào nửa sau của thế kỷ 19, khi nước Pháp nằm dưới chế độ của Napoléon III, đó là khi Paris đã được Nam tước Haussmann tân trang và Paris đã được cho là thành phố đẹp nhất thế giới. Những công trình mới hoành tráng được làm ấn tượng, cao ráo, nhiều công trình cũ được cải tạo kết hợp với việc đưa mảng xanh vào đường phố, mặt tiền phố của các dãy nhà cũng được tân trang và được thống nhất ốp đá một cách chỉnh chú. Thời kỳ này phổ biến kiểu mái nhà hình thang hay còn được gọi là gác mái.
Mặt khác, thế kỷ 19 cũng là giai đoạn chứng kiến sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong kiến trúc ở khắp mọi nơi. Năm 1889, Paris được chọn là nơi tổ chức một cuộc triển lãm quốc tế quan trọng – Triển lãm Toàn cầu – và khi đó người Pháp đã công bố thành tựu kỹ thuật mới nhất của họ đó chính là Tháp Eiffel. Tháp Eiffel còn là một biểu tượng minh chứng cho việc Paris đang từng bước tiếp cận với thế giới hiện đại cùng với sự ra đời của Cung Điện Pha lê được xây dựng bởi người Anh.
Cũng trong giai đoạn này, phong cách Art Nouveau cũng được ra đời – Phong cách Art Nouveau nổi bật bởi tính hoa mỹ, lượn sóng, các đường thẳng bất đối xứng, các họa tiết cách điệu hóa từ hình thức tự nhiên (hoa và cây), hình ảnh tiên nữ cùng các đường cong mềm mại (vòng cung, parabol, và hình bán nguyệt). Nhìn chung khá phức tạp và tỉ mỉ, thế mới thấy những người nghệ sĩ cổ đại tài hoa thế nào. Art Nouveau trong tiếng Pháp là “nghệ thuật mới” và được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực thiết kế như công trình kiến trúc, nghệ thuật trang trí (đồ trang sức, nội thất, dệt may, đồ chế tác bằng bạc, đèn chiếu sáng..), nội thất và hội họa. Thế nhưng phong cách lượn sóng tồn tại không bao lâu, thì sự lên ngôi của Art Deco đã thay thế.
Nếu Art Nouveau sử dụng các đường cong, các hình thức tự nhiên như tiên nữ, côn trùng và cỏ dại (điển hình trên đèn Tiffany) thì Art Deco ưa chuộng các đường thẳng ngang, đường tuyến tính đặt theo mọi cách sắp xếp. Art Deco thanh mảnh, gọn ghẽ, có đối xứng với những motif như tam giác, đường zigzag, hình bình hành… tượng trưng cho những bước tiến trong thương mại, tiến bộ khoa học kỹ thuật và tốc độ.
Đến đây đã là kết thúc cho phần giới thiệu về lịch sử và các phong cách kiến trúc của Pháp, tuy kiến trúc Pháp được chia ra khá nhiều các loại hình và phong cách khác nhau, nhưng từng giai đoạn sẽ có một đặc trưng riêng biệt gắn liền với lịch sử và bối cảnh đất nước. Vậy các bạn có thắc mắc những đặc điểm nổi bật của các công trình này là gì không? Hãy cùng CONN Design tổng hợp lại các đặc trưng trong kiến trúc của Pháp nhé.
2. Đặc trưng kiến trúc
Thức cột
Thức cột chắc chắn với hoa văn trang trí tỉ mỉ
Chắc các bạn sẽ rất dễ dàng nhận dạng công trình đó có phải của Pháp hay không qua việc xây dựng các cấu trúc cột. Thức cột hay gọi cách khác là kiến trúc cột trụ chính là một trong những nét nổi bật của kiến trúc cổ Hy Lạp và La Mã và 3 thức cột Hy Lạp dưới đây được coi là tiêu biểu trong lĩnh vực kiến trúc Pháp sẽ giúp bạn hiểu hơn về kiến trúc cổ điển. Thức cột thực chất là hệ thống tỷ lệ và là một hình thức trang trí cột. Thức cột Hy Lạp là đặc trưng nổi bật nhất trong kiến trúc cổ điển. Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong kết cấu mà còn tạo nên sự bề thế, uy nghi và tính thẩm mỹ cho các công trình. Trong kiến trúc cổ Hy Lạp có 3 loại thức cột chính: cột Doric, cột Lonic và cột Corinth.
Thức cột Doric Hy Lạp
Đầu tiên CONN Design xin giới thiệu thức cột Doric – được xem là thức cột cổ nhất ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 7 TCN và hoàn thiện vào thế kỷ thứ 5). Đây được xem là thức cột đơn giản nhất trong hệ thống các thức cột. Trật tự Doric được đặc trưng bởi một cột vốn bằng phẳng, không trang trí và một cột nằm trực tiếp trên bệ đỡ của ngôi đền mà không có chân đế.
Thức cột Ionic trong kiến trúc cổ điển
Như chính tên gọi của nó, trật tự Ionic bắt nguồn từ Ionia, một vùng ven biển của miền trung Anatolia—ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ—nơi có một số khu định cư của người Hy Lạp cổ đại. Ngược lại với sự mạnh mẽ, khỏe khoắn của thức cột Doric thì thức cột Ionic mang vẻ đẹp mềm mại, nữ tính và được thiết kế có phần cầu kì hơn. Trong thiết kế thức cột Ionic, các trụ cột Inonic xuất hiện với dáng vẻ thanh mảnh và mềm mại hơn so với thức cột Doric. Thức cột Ionic đặt trên phần đế và có phần bệ đỡ nằm giữa thân cột và đế cột. Đầu cột có 2 vòng xoắn ốc được gắn trên đầu cột được trang trí gờ chỉ và được trang trí với các họa tiết khắc chìm.
Corinth – Thức cột Hy Lạp trong kiến trúc
Loại thức cột Hy Lạp ra đời muộn nhất là Corinth. Thức cột Corinth ra đời vào khoảng thế kỷ 5 TCN và cái tên Corinth được bắt nguồn từ thành phố Corinth của Hy Lạp. Tuy nhiên thức cột Corinth lại được xuất hiện và sử dụng rộng rãi ở Athens. Trong 3 thức cột Hy Lạp thì đây được xem là thức cột hoàn thiện và có vẻ đẹp hoa mỹ nhất.
Thức cột Corinth có đường nét mảnh mai, trang trí cầu kì. Đầu cột có nhiều chi tiết trang trí khá hoa mỹ. Ưu điểm lớn nhất của thức cột Corinth so với 2 thức cột trên là đối xứng nhiều chiều và có thể cảm nhận được không gian.
Để phân biệt các thức cột, người ta thường dựa vào các chi tiết trên cột, đặc biệt là ở phần đầu cột. Nếu như thức cột Doric được thiết kế đơn giản nhất với phần đầu cột trơn đơn giản thì thức cột Ionic lại có phần cột trang trí tỉ mỉ hơn với đầu cột là 2 vòng xoắn ốc cuộn vào trong. Thức cột Corinth là thức cột xuất hiện sau cùng và được xem là tỉ mỉ và hoa mỹ nhất. Thân cột và đầu cột Corinth được trang trí, thiết kế bằng các hình hoa lá, các lá phiến thảo hình xoắn ốc cầu kỳ.
Kiến trúc ngoại thất cầu kỳ
Các bạn biết không, ngoại thất là toàn bộ không gian bao trùm bên ngoài của một công trình – được xem là mặt tiền – nên việc thiết kế phần ngoại thất này được người Pháp rất chú trọng, cần toát lên những nét đẹp tinh tế cũng như sự tráng lệ. Những công trình kiểu Pháp có ngoại thất tỉ mỉ, cắt gọt gọn gàng – với phào chỉ được sử dụng khá nhẹ nhàng, điểm thêm hoa văn và cầu kỳ đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên dấu ấn đặc trưng cho tổng thể kiến trúc.
Phần ban công của một công trình cũng được thiết kế với hoa sắt mỹ nghệ khá cầu kỳ và đẹp mắt. Kết hợp với các nghệ thuật hình khối vòm uốn lượn và sử dụng gam màu chủ đạo là trắng hoặc vàng nhạt càng làm tôn lên những chi tiết trang trí sắc sảo – mang đến một bức tranh hoàn hảo cho cả một công trình kiến trúc.
Hệ thống mái và cửa sổ nhiều, đa dạng
Có một điều rất thú vị đó là người Pháp quan niệm rằng, phần mái của một công trình sẽ được ví như một chiếc vương miện, thể hiện sự quý phái và giai cấp quý tộc. Thế nên phần mái đối với các công trình kiểu Pháp được đánh giá vô cùng quan trọng. Cấu trúc mái trong theo kiến trúc nước Pháp được thiết kế dạng vòm, chóp nhọn cao và được chạm khắc họa tiết trang trí cầu kỳ, tỉnh xảo. Ngoài ra các bạn có thể dễ dàng nhận thấy điểm đặc trưng của công trình Pháp đó là sự có mặt của cửa sổ ở phần mái, nhằm giúp cho không gian thông thoáng hơn còn là một phần trang trí tô điểm cho toàn bộ cấu trúc của công trình. Ngoài cửa sổ ở khu vực mái ra, các tòa nhà hay công trình của Pháp đều được thiết kế với khá nhiều cửa sổ – chúng được thiết kế với hình khối bao quanh đem đến những sức sống mới lạ cho không gian chung của công trình. Đây cũng là những đặc điểm đặc trưng của lối kiến trúc của nước Pháp.
Hi vọng rằng thông qua bài viết này, CONN Design đã mang đến cho các bạn nguồn cảm hứng trong phong cách kiến trúc Pháp. Và đừng quên, tại CONN Design chúng tôi luôn mang đến những giải pháp, dịch vụ thiết kế nội thất biến những ý tưởng của các bạn trở nên thực tế.
(Nguồn: Sưu tầm)
Tôi là Trang, Founder của CONN Design - công ty chuyên thiết kế và thi công không gian kinh doanh. Tôi tốt nghiệp trường đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh và đam mê ngành thiết kế từ nhỏ. Tôi luôn mong muốn tạo ra những không gian đẹp, tiện nghi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng thiết kế là một ngôn ngữ không lời để thể hiện cá tính và giá trị của con người. Một câu châm ngôn về thiết kế mà tôi thích là: "Thiết kế không chỉ là những gì bạn nhìn thấy, mà còn là những gì bạn cảm nhận."
Trần Thị Hồng Trang
KHÁM PHÁ
Thiết kế nội thất - 17 Tháng Chín, 2023
Top các mẫu thiết kế bảng hiệu quán cafe theo xu hướng năm 2023
Thiết kế nội thất - 11 Tháng Chín, 2023
Tổng hợp những mẫu thiết kế quán cafe bình dân đẹp nhất 2023
Thiết kế nội thất - 10 Tháng Chín, 2023
30+ mẫu thiết kế văn phòng hiện đại đẹp, ấn tượng nhất 2023