Khi nói đến kiến trúc của bất kỳ quốc gia nào, đó cũng là dấu ấn riêng về văn hóa, lịch sử và truyền thống của quốc gia đó. Hình dạng kiến trúc cũng như các đường nét, đường cong kết hợp với vật liệu sử dụng – màu sắc đều cùng kết hợp với nhau để tạo nên một kiệt tác độc đáo và đẹp mắt. Và nền kiến trúc Việt Nam cũng vậy; từ những ngôi nhà sàn bản địa đến những cung điện cổ kính – hay những tòa tháp cao tầng của Việt Nam là cả một bề dày lịch sử ca ngợi một quá khứ đầy hiển hách và tương lai vô cùng hứa hẹn. Hôm nay các bạn hãy cùng CONN Design tìm hiểu về kiến trúc cũng như thiết kế nội thất của dải đất hình chữ S vô cùng thú vị này nhé.
Mặc dù kiến trúc Việt Nam bị ảnh hưởng bởi phong cách Trung Quốc và phương Tây do thời thuộc địa nhưng không thể phủ nhận kiến trúc Việt Nam vẫn tạo ra được nét độc đáo riêng của mình. Và sau chiến tranh, nét tinh hoa của kiến trúc Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ nét trong khu phố cổ Hà Nội, những ngôi nhà sàn dân tộc Việt Nam và vô số đền chùa, đình làng, làng cổ trên khắp đất nước. Trước tiên CONN Design sẽ tóm tắt cho các bạn về sự thay đổi của kiến trúc nước nhà đã thay đổi thể nào qua từng giai đoạn nhé.
Nội dung bài viết
1. Lịch sử kiến trúc qua các thời kỳ
Giai đoạn cổ đại & trung đại
Giai đoạn Vua Hùng
Các bạn biết không, giai đoạn năm 207 TCN , kiến trúc Việt Nam đã mang một hơi thở vô cùng cổ kính và được hình thành từ thời các Vua Hùng cùng với nền văn hóa Văn Lang & Âu Lạc – hai quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Loại hình kiến trúc cổ Việt Nam mà CONN Design muốn giới thiệu với các bạn đó chính là nhà sàn, được xây dựng bằng các vật liệu chủ yếu như gỗ và tre. Với địa hình đa dạng giữa vùng cao nguyên phía bắc và vùng đất thấp phía nam kết hợp với khí hậu nhiệt đới, nhà sàn truyền thống được xem là một lựa chọn tối ưu và duy nhất ở giai đoạn bây giờ.
Đặc trưng của nhà sàn sẽ được xây dựng cao hơn mặt đất vài mét. Những ngôi nhà sàn truyền thống thường được làm bằng gỗ, tre, nứa hoặc mây cùng mái nhà lợp tranh. Bếp sẽ là khu vực chính trong ngôi nhà thời bấy giờ và sẽ được đặt ngay vị trí trung tâm – là nơi mọi người cùng nhau quây quần, sinh hoạt. Việc xây dựng trên một độ cao nhất định so với mặt đất đều có nguyên do của nó; lý do quan trọng nhất đó chính là những ngôi nhà sàn có thể tránh được sự tàn phá của lũ lụt. Ngoài ra, với chiều cao của ngôi nhà, nhà sàn có thể cung cấp đủ sự bảo vệ cho dân làng khỏi sự tấn công của thú dữ. Không chỉ thế, thông qua những ô cửa sổ lớn và ở một độ cao như vậy, ngôi nhà sẽ luôn hưởng được không khí trong lành, giảm đi cái nắng nóng khó chịu của khí hậu mùa hè. Đơn giản và mộc mạc, ngôi nhà sàn truyền thống phản ánh nền văn hóa dân tộc đa dạng độc đáo của Việt Nam.
Ngày nay, giữa lòng thủ đô tại Bảo Tàng Dân tộc học, vẫn còn trưng bày những hình ảnh cũng như tư liệu, những bản sao đầy đủ của nhà sàn truyền thống. Nếu các bạn có hứng thú tìm hiểu hãy thử một lần ghé tham quan địa điểm này nhé.
Kiến trúc Việt Nam thời Lý (thế kỷ XI – XII)
Sau đó vào thế kỷ 11, triều đại nhà Lý đã mở ra bước chuyển mình mới cho kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ phát triển của nhà nước phong kiến. Nhìn chung, kiến trúc thời Lý có năm kiểu chính thống: thành quách, cung điện, lâu đài, chùa chiền và nhà ở. Kiến trúc giai đoạn đó chịu ảnh hưởng của Phật giáo và song song đó cũng phục vụ cho Phật giáo khi các cung điện, lâu đài, thành quách, chùa chiền được xây dựng với quy mô lớn, trong đó Hoàng thành Thăng Long là một trong những công trình lớn nhất của các triều đại phong kiến – cấu trúc bao gồm hai lớp dài đến tận 25km, một quần thể cung điện hùng vĩ và nhiều tòa nhà cao từ ba đến bốn tầng. Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Với những giá trị nổi bật toàn cầu Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Bên cạnh đó, việc nổi lên các chùa lớn là chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Đọi (Hà Nam). Năm 1049, Lý Thái Tông cho xây chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) – một trong những công trình có thể nói là tiêu biểu của Việt Nam.
Nhìn chung, kiến trúc Việt Nam thời Lý có những đặc điểm, phong cách và chi tiết kiến trúc được thể hiện vô cùng độc đáo (thể hiện ở mái, cửa, cầu thang, lan can và tượng kiến trúc, cùng các hình thức trang trí bằng gạch ngói). Tất cả những phong cách kiến trúc này đều nhẹ nhàng, khiêm tốn và phù hợp với khí hậu cũng như phong tục tập quán của Việt Nam. Ngoài ra, phố phường, chợ búa, nhà truyền thống, nhà sàn theo kiến trúc dân gian cũng được phát triển song song với kiến trúc cung đình.
Kiến trúc Việt Nam thời Trần (1226 – 1400)
Tiếp nối đến thời nhà Trần, kiến trúc giai đoạn này có phần phức tạp hơn và được phân định rõ ràng hơn. Vào giai đoạn này, kiến trúc Việt Nam chủ yếu là cung điện, chùa chiền, một số đền đài, kinh thành với những nét tiêu biểu như tháp Bình Sơn (tỉnh Vĩnh Phúc), chùa Phổ Minh (tỉnh Nam Định), chùa Thái Lạc (tỉnh Hưng Yên). Trong đó đặc biệt nhất CONN Design muốn giới thiệu tới các bạn về Tháp Bình Sơn – một ngôi tháp cao 15 tầng (hiện nay chỉ còn 11 tầng) – là tòa tháp bằng đất nung cao nhất không tráng men, chỉ sử dụng gạch là vật liệu chính còn tồn tại với thời gian. Các họa tiết trang trí kỹ lưỡng với hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi.
Bên cạnh đó, không biết các bạn đã nghe qua về công trình chùa Phổ Minh hay chưa? Sử sách đã ghi lại Chùa được hình thành từ thời nhà Lý – tuy nhiên các hạng mục công trình của chùa Phổ Minh còn bao gồm: Cổng Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, tháp Phổ Minh, hành lang, nhà tổ. Trong đó, Tháp Phổ Minh là công trình nổi bật gây sự chú ý nhất trong khuôn viên sân chùa Phổ Minh. Cấu trúc đế tháp Phổ Minh được làm toàn bộ bằng đá với nhiều kích thước khác nhau, được chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước và toàn bộ đế mang hình ảnh của 1 cỗ kiệu.
Công trình chùa Phổ Minh gắn với triều đại nhà Trần giữa bối cảnh chịu sự xâm lược của để quốc mạnh nhất lúc bấy giờ là đế quốc Nguyên Mông – có thể nói rằng, tháp Phổ Minh không chỉ là một công trình quý giá về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà mang trong mình cả niềm tự hào dân tộc thể hiện ý chí, hiên ngang, bất khuất của hào khí đất nước chúng ta. Qua nhiều lần trùng tu chùa vẫn còn giữ được nét nguyên bản, lưu giữ nhiều bảo vật thời nhà Trần, vị trí của chùa Phổ Minh tọa lạc tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định – chỉ cách trung tâm Hà Nội 90km, nếu có dịp các bạn hãy ghé thăm và chiêm ngưỡng công trình mang đậm đà bản sắc dân tộc này nhé.
Kiến trúc Việt Nam thời Lê (1442 – 1789)
Vào thế kỷ 15, khi nhà Lê cai trị đất nước, kiến trúc Việt Nam chúng ta ghi nhận hai loại hình phát triển chính là cung điện và lăng tẩm. Không thể bỏ qua công trình kiến trúc độc đáo vào thế kỷ này đó là ngôi đình thờ Đức thánh Dương Tự Minh ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Đây là một di tích mang kiến trúc đặc trưng thời Lê với mái đình lợp ngói bò, bốn góc cong vút ẩn hiện dưới những tán cây cổ thụ. Cụ thể, đình được dựng bằng 48 cột gỗ lim, mái đình trang trí theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” – nét kiến trúc đình làng độc đáo của Việt Nam. Bên trong các tòa nhà, trên các cột và xà ngang đều được trang trí hoa văn đẹp mắt, chạm trổ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) vô cùng tinh xảo.
Vào thế kỷ 16 và 17, các kiến trúc tôn giáo và kiến trúc thế tục như đền, chùa, đình đã có những bước phát triển mới. Đáng chú ý, chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng với kiến trúc chùa chiền với kỹ thuật xây dựng tháp và trang trí tượng. Kiến trúc chính của chùa được quay theo hướng Nam theo đạo Phật, bố trí cân xứng nhưng hết sức tự nhiên và chặt chẽ. Đây cũng được xem là phương hướng của trí tuệ, bát nhã và nằm trên một trục dài hơn 100m.
Điều đặc biệt, độc đáo của ngôi chùa mà không đâu trên đất nước ta có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm – có tên là tháp Báo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ với cấu trúc tháp cao 13.05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo nhất là 4 mặt tháp đều bít kín bằng đá – trải qua bao thăng trầm vẫn còn được giữ gìn.
Kiến trúc Việt Nam thời Nguyễn (1802 – 1945)
Triều đại của các vua Nguyễn kéo dài từ năm 1802 đến năm 1945. Triều đại này nổi tiếng với chính sách bế quan tỏa cảng, cản trở bước tiến của đất nước và nhanh chóng bị Pháp đô hộ (1884). Thời kỳ đầu triều Nguyễn – trước khi Pháp xâm lược – kiến trúc Việt Nam có nhiều thay đổi, tuy mỗi vùng miền đất nước đều có những đặc điểm riêng:
- Ở miền Bắc Việt Nam, triều Nguyễn chủ yếu bảo tồn và phát triển các truyền thống kiến trúc thời Hậu Lê (ví dụ: Văn Miếu).
- Ở miền Trung, nơi có kinh đô mới (Huế), kiến trúc mang phong cách đặc trưng của triều Nguyễn (chúng tôi sẽ trở lại sau).
- Ở miền Nam Việt Nam, vùng đất mà sau này sẽ là nơi đầu tiên bị người Pháp chiếm đóng; không có phong cách kiến trúc khu vực đã được cố định.
Đặc điểm chung của kiến trúc thời Nguyễn
Các bạn biết không, trong quá trình lưu giữ những yếu tố cơ bản của kiến trúc phương Đông, kiến trúc Việt Nam cũng tiếp thu một số yếu tố của kiến trúc phương Tây, điều đó thể hiện rõ trong bố cục của Kinh thành Huế mà chúng ta thấy ngày nay Quần thể kiến trúc bên trong Hoàng Thành, bao gồm một dãy các tòa nhà nối tiếp nhau, phản ánh sự ảnh hưởng đáng kể từ kiến trúc Trung Quốc đặc biệt là triều đại nhà Thanh.
Vào thế kỷ 19, hoạt động xây dựng ở phía Bắc lắng xuống do kinh đô được dời vào Huế dưới triều Nguyễn. Tại Thăng Long – tên cũ của Hà Nội, kinh thành và một số công trình văn hóa tiêu biểu như Khuê Văn Các (trong Văn Miếu), đền Ngọc Sơn đã được xây dựng lại. Khuê Văn Các do quan võ Nguyễn Bá Thanh xây dựng vào năm 1805 là công trình nổi tiếng thưởng thức văn thơ. Đây là một công trình kiến trúc cổ Việt Nam với sàn trên bằng gỗ, bốn góc có lan can bằng gỗ; hơn nữa, mái ngói được nâng lên bởi hệ khung gỗ đơn giản, chắc chắn và trang nhã.
Tuy nhiên, trung tâm phát triển nhất của kiến trúc Việt Nam là Huế – kinh đô của đất nước lúc bấy giờ, bao gồm các thành quách, cung điện, lăng tẩm như kinh thành Huế, kinh thành Huế. Văn hóa Việt ở Huế đã đa dạng hơn với kiến trúc nhà vườn, khác với kiến trúc nhà ống ở Hà Nội. Có thể nói, kiến trúc Huế được xem xét một cách tổng hòa các giá trị kiến trúc truyền thống, là tinh hoa ưu tú của các đặc điểm khác nhau: cấu trúc, quy hoạch đô thị và kinh thành, trang trí nội thất và thiết kế cảnh quan.
2. Giai đoạn thuộc địa
Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi nhà nước phong kiến, Việt nam bước qua giai đoạn Pháp Thuộc. Bỏ qua vấn đề liên quan đến lịch sử, chúng ta không thể phủ nhận Pháp đã để lại vô vàn dấu ấn của họ trên khắp Việt Nam trong khoảng thời gian gần 70 năm đô hộ. Nếu như trong những triều đại trước, kiến trúc Việt nam chỉ xoay quanh những công trình thành quách, chùa chiền, thì giai đoạn Pháp thuộc này đã từ từ hình thành những phong cách nhất định mang hơi thở của Pháp. Khi thực dân Pháp bắt đầu công cuộc xây dựng ồ ạt vào những năm 1910, 1920 – mục đích chính của họ là chấm dứt nền kiến trúc phong kiến và truyền thống của Việt nam và thay thế hoàn toàn bằng lối kiến trúc hoàn chỉnh của phương Tây. Các phong cách điển hình được lựa chọn như Art Deco, New Modern hay Neo-Gothic – hoàn toàn không hề có sự hiện diện của kiến trúc phương đông cũng như Việt Nam. Hãy cùng CONN Design điểm sơ một số đặc điểm của kiến trúc Việt Nam giai đoạn này nhé.
Phong cách kiến trúc Tiền thực dân
Chắc hẳn chúng ta đã quá quen thuộc với cái nắng nóng oi ả mùa hè tại Việt Nam, tuy nhiên đối với các sĩ quan công binh Pháp thật không dễ chút nào. Nhằm mục đích tránh cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè, họ đã xây dựng một hình thức kiến trúc nhiệt đới thô sơ với các hành lang rộng rãi, không bí bách bao lấy không gian chính. Nhà thường có hai tầng, cùng với mái dốc lợp ngói hoặc tôn. Đặc trưng chủ yếu đó là mặt bằng hình chữ nhật đơn giản có hành lang rộng xung quanh. Nhìn chung thì đây là phong cách ít chú trọng về mặt thẩm mỹ nên không có nhiều giá trị về mặt kiến trúc. Tuy vậy chúng cũng là đại diện cho kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ sơ khởi nên Conn Design cũng mong muốn được chia sẻ với các bạn.
Một số công trình tiêu biểu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Toà thị chính (chỉ còn toà nhà số 12 Lê Lai), một số nhà điều trị trong khuôn viên Quân y Viện 108 và bệnh viện Hữu Nghị.
Phong cách kiến trúc Tân Cổ Điển
Sau khi cơ bản chinh phục được toàn bộ lãnh thổ Đông Dương, người Pháp đã tiến hành một công cuộc xây dựng lớn ở Hà Nội nhằm biến nó thành thủ phủ toàn khu vực. Để biểu đạt cho sự uy nghi của chính quyền mới thì không gì bằng việc sử dụng các hình thức kiến trúc Cổ điển. Những công thự lớn tiêu biểu cho chính quyền thực dân như Phủ Toàn quyền, Dinh Thống Sứ, Tòa án… bắt đầu ra đời. Đặc điểm cấu trúc nhận dạng đối với phong cách Tân Cổ Điển này đó là : Bố cục công trình cân đối, mái dốc lợp ngói tây hoặc ngói đá, nhiều hình thức trang trí phong phú sử dụng chi tiết Cổ điển La Mã, Phục Hưng.
Một số công trình tiêu biểu: Phủ Toàn quyền Đông Dương (ảnh 2), Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, Phủ Thống sứ (12 Ngô Quyền), Ga Hàng Cỏ, Công ty Hoả xa Đông Dương – Vân Nam (82 Trần Hưng Đạo), Nhà hát lớn, khách sạn Metropole (15 Ngô Quyền).
Phong cách kiến trúc Art Deco
Một làn gió mới lại mang đến một xu hướng mới cho kiến trúc việt nam giai đoạn sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các hoạt động kinh tế trở nên nhộn nhịp hơn, một làn sóng đầu tư của người Pháp, một phần nhỏ của người Hoa và người Việt diễn ra ở Hà Nội. Song song trong giai đoạn đó, tại khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ lại vừa hình thành một phong cách kiến trúc mới – một phong cách hiện đại hơn nhưng không kém phần giản dị, cách tân hơn được gọi là phong cách Art Deco.
Kiến trúc Art Deco bắt đầu phát triển ở Hà Nội từ những năm 1920 và đặc biệt mạnh mẽ vào những năm 1930. Những công trình xây dựng theo xu hướng này thường sử dụng những hình khối kinh điển trong bố cục không gian, các khối hình vuông, chữ nhật kết hợp với các khối bán trụ tạo ra một hình thức kiến trúc hiện đại và tinh tế. Thêm vào đó là các hoạ tiết trang trí được đắp nổi bằng xi măng, thạch cao với đường nét mềm mại làm giảm bớt sự thô nặng của các hình khối chủ đạo. Đây cũng là hình loại kiến trúc được nghiên cứu và có nhiều sự cải biên nhằm tới sự hài hoà với khí hậu và cảnh quan Hà Nội.
Một số công trình tiêu biểu: Chi nhánh ngân hành Đông Dương (ảnh 4), nhà in IDEO (24 Tràng Tiền), Bưu điện (6 Đinh Lễ), các toà nhà số 91 Đinh Tiên Hoàng và 31 Tràng Tiền, cùng rất nhiều biệt thự trải từ quận Ba Đình tới cuối các phố Bà Triệu, Hàng Chuối.
Phong cách kiến trúc Neo-Gothic
Có lẽ với những bạn quan tâm về kiến trúc và tìm hiểu về khái niệm kiến trúc ở các quốc gia khác sẽ không xa lạ với khái niệm Neo-Gothic này. Đây là kiến trúc đặc trưng được sử dụng ở các nhà thờ – tuy nhiên đặc điểm của kiến trúc nhà thờ ở Hà Nội đa phần chỉ là là mô phỏng hình thức kiến trúc Gothic Pháp vì nó đã được giản lược rất nhiều so với nguyên bản. Với khu vực mặt tiền được xây dựng hình chữ thập, được chia thành 3 phần mặt đứng, nhịp giữa là lối vào chính và phía trên là tháp chuông.cùng nhiều cửa sổ hình cuốn nhọn kiểu Gothic.
Trong số các công trình Neo-Gothic ở Hà Nội nổi lên một ngôi nhà thờ nhỏ ở quận Hoàng Mai, nhà thờ Làng Tám, nhìn chung thì phong cách Neo – Gothic ở Hà Nội gắn liền với kiến trúc nhà thờ Công giáo, giá trị về mặt thẩm mỹ chưa cao song lại mang nhiều giá trị về mặt lịch sử và cảnh quan. Ngoài ra nhà thờ lớn Hà Nội hay nhà thờ Đức Bà – 2 công trình mang tính biểu tượng cũng mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc Neo-Gothic, hiện 2 công trình này vẫn được trùng tu, sửa chữa tuy nhiên vẫn thu hút rất nhiều du khách khi ghé thăm.
Phong cách kiến trúc Pháp – Hoa
Đây là một phong cách kiến trúc kết hợp giữa sự hiện đại của phương tây cùng hơi thở truyền thống mang phong cách Á Đông. Như Conn Design đã giới thiệu,sau thế chiến thế giới thứ 2, làn sóng đầu tư vào Việt nam phát triển trong đó có một phần nhỏ của cộng đồng người Hoa. Thế nên không có gì lạ cho sự ra đời của phong cách kiến trúc này. Kiến trúc phong cách Pháp-Hoa ở Hà nội thể hiện chủ yếu trong các dinh thự và biệt thự. Các ngôi nhà theo phong cách này thường chỉ có 2 tầng với cách bố trí phân chia cấp bậc theo kiểu nhà chính – nhà phụ, đặc biệt ở các dinh thự thường có vườn trước rất lớn hoặc bố trí hòn non bộ. Đặc điểm nhận dạng phong cách này có lẽ là mái dốc lợp ngói ống, ngói tráng men, bốn góc uốn cong và được trang trí khá cầu kỳ. Phần trang trí cũng như lựa chọn nội thất cũng được chú trọng nhiều với các yếu tố trang trí kiểu Trung Hoa hơn.
Một số công trình tiêu biểu: Dinh Tổng đốc Hoàng Trọng Phu (46 Hoàng Diệu), dinh thự số 26 Phan Bội Châu (ảnh 6), Nhà hàng Thuỷ Tạ, một số biệt thự trên các phố Phan Đình Phùng, Quán Thánh, và quanh hồ Thuyền Quang.
Phong cách kiến trúc Đông Dương
Cuối cùng và cũng có lẽ là quan trọng nhất đó chính là sự ra đời của phong cách kiến trúc Đông Dương. Khi thực dân Pháp đồng loạt muốn thay thế toàn bộ phong cách kiến trúc truyền thống của đất nước ta từ giai đoạn phong kiến, họ áp dụng các kiến trúc bằng phương tây. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn không phù hợp với khí hậu cũng như truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan ở đây. Từ đó, phong cách kiến trúc Đông Dương dần hình thành với việc sử dụng những hình thức và chi tiết kiến trúc truyền thống Việt Nam, Khmer lên những chi tiết như bộ mái, ô văng che cửa, vật phẩm trang trí trong gia đình đều mang nét truyền thống của Việt Nam kết hợp hệ thống cửa lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên được chú trọng. Riêng về bố cục mặt bằng vẫn là hình khối kiểu Châu Âu kinh điển.
Ở mục sau CONN Design sẽ nêu chi tiết hơn về việc áp dụng phong cách Đông Dương vào tổ ấm của các bạn nhé.
Giai đoạn hiện đại – đương đại
Cuối cùng cũng đến giai đoạn hiện đại và đương đại, các bạn biết không, sau ngày đất nước thống nhất (1975), kiến trúc Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật với sự xuất hiện của nhiều đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, làng quê mới toanh, trong đó có những công trình kiến trúc được đầu tư mạnh và có tính mỹ thuật cao.
Xu hướng hiện đại của kiến trúc Việt Nam đề cao loại hình xây dựng áp dụng công nghệ cao, thể hiện những kỹ thuật mới nhất về kết cấu sắt, kính và bê tông được tận dụng triệt để nhằm tạo nên một phong cách kiến trúc hoàn toàn mới và ấn tượng. Dĩ nhiên không thể kể đến những công trình,tòa nhà chọc trời vô cùng ấn tượng như Bitexco Financial Tower hay Landmark 81 – 1 trong những tòa nhà được xem là biểu tượng của Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, kiến trúc Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, nó luôn phát triển và nâng cấp để phù hợp với sự thay đổi của thị hiếu xã hội. Và, thật tự hào khi kiến trúc Việt Nam đã không ngừng biến đổi, sáng tạo để đóng góp vào kho tàng nghệ thuật của nhân loại và phản ánh những nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Văn Hóa Đông Sơn
Bên cạnh những giai đoạn lịch sử mà CONN Design đã giới thiệu trên, tiếp theo đây chúng mình muốn giới thiệu đến các bạn về nền văn hóa Đông Sơn – nền văn hóa được xem là khởi đầu trong lĩnh vực kiến trúc truyền thống Việt Nam. Điều khiến Conn Design cảm thấy vô cùng ấn tượng trong giai đoạn này đó là văn hóa Trống Đồng Đông Sơn cùng với ý nghĩa của các họa tiết được khắc họa vô cùng rõ nét.
Các bạn biết không, những dấu tích đầu tiên của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam đã được khai quật dọc bờ sông Mã vào mùa hè năm 1924. Và sự kiện này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các học giả, nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế, đặt nền móng cho sự hé mở về một thời kỳ vĩ đại trong văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa này hình thành và phát triển song song với văn hóa Sa Huỳnh ở ven biển Trung Bộ và văn hóa Đồng Nai ở Nam Bộ.
Kể từ khi những bộ hài cốt đầu tiên được tìm thấy, đã có một số dự án nghiên cứu và khảo cổ học được tiến hành để tìm hiểu sâu hơn về các khía cạnh khác nhau của nền văn hóa này, một trong số đó là về niên đại. Hầu hết các công trình khoa học đều thống nhất rằng nền văn hóa cổ đại này có niên đại từ thế kỷ VII TCN đến thế kỷ I, II SCN.
Trong rất nhiều giá trị mà văn hóa Đông Sơn đã đem lại, riêng trong lĩnh vực kiến trúc, họa tiết trống đồng là một trong những họa tiết mang tính biểu tượng của đất nước. Trống đồng Đông Sơn Việt Nam là sản phẩm của nền văn minh lúa nước mang những nét văn hóa tiêu biểu của các thời kỳ lịch sử. Cả nguồn gốc và biểu tượng tâm linh của trống đồng đều làm nên ý nghĩa và giá trị cao đẹp của trống đồng.
Trống đồng Đông Sơn được đúc bằng đồng với các chi tiết hoa văn tỉ mỉ, hình học, mô tả cảnh sinh hoạt, nông nghiệp, động vật, chim muông, thuyền bè, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt cũng như hình ảnh tượng trưng của vật tổ. Đặc biệt, sự hòa hợp Âm Dương được thể hiện rõ nét để nói lên sự thịnh vượng của muôn loài trên trái đất. Cụ thể ý nghĩa của các họa tiết được Conn Design tổng kết lại với những ý chính bao gồm:
- Chính giữa mỗi chiếc trống đồng Đông Sơn là hình ảnh 14 ngôi sao vô cùng rực rỡ, xen giữa các “cánh” ngôi sao là hoa văn hình tam giác, được thể hiện bằng hai đường thẳng và các chấm nhỏ hình tam giác giống như đuôi công. Nhiều học giả cho rằng ngôi sao 14 cánh tượng trưng cho mặt trời, đây được coi là yếu tố cốt lõi trong trống đồng Đông Sơn. Người xưa quan niệm mặt trời cung cấp năng lượng và ánh sáng cho họ nên họ tôn sùng và biết ơn.Một số thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng trống mô tả các nghi lễ để tế thần mặt trời.
- Cùng với mặt trời, sự xuất hiện của “chim Tiên” hay “chim Lạc” (một loại chim tiên theo truyền thuyết & tín ngưỡng của người Việt) với mỏ dài, chân và đuôi xòe rộng bay quanh mặt trời là hoa văn trang trí gần như cố định, không thể tách rời của trống Đông Sơn. Hình tượng loài chim này cũng xuất hiện ở vòng tròn ngoài cùng trên mặt trống đồng là vòng tròn thời gian, tượng trưng cho một năm vì loài chim này thường xuất hiện vào một khoảng thời gian nhất định hàng năm như một thông lệ hàng năm, theo quan sát của người xưa.
- Ngoài ra các bạn có thể thấy sự hiện diện của những hình ảnh những người nhảy múa, chèo thuyền, thổi kèn. Hình ảnh những người đầu búi tóc đứng bên những ngôi nhà mái vòm, nhà sàn mái cong cho thấy cư dân thời văn hóa Đông Sơn đã thể hiện cho chúng ta biết cách thức xây dựng nhà ở giai đoạn bấy giờ. Cảnh đôi trai gái (nam – nữ) cầm chày giã gạo tượng trưng cho sự hòa hợp Âm Dương, trong đó chày tượng trưng cho yếu tố Dương và cối tượng trưng cho yếu tố Âm. Nhiều họa tiết tỉ mỉ khác mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới tìm hiểu.
Và một điều khiến CONN Design rất ngạc nhiên đó là họa tiết trống đồng, còn được sử dụng làm ý tưởng cho hình thức nghệ thuật tattoo ( xăm ) – mà không chỉ riêng ở Việt nam, mà còn được sử dụng rộng rãi và được thế giới biết đến.
3. Đặc trưng cơ bản của kiến trúc
CONN Desgin đã dẫn các bạn ngược dòng về nguồn gốc cũng như biết thêm về lịch sử của kiến trúc nước nhà, không biết có khiến các bạn tò mò vì sao trong suốt bề dày lịch sử như vậy, dù là giai đoạn phong kiến hay Pháp thuộc, kiến trúc Việt nam mỗi giai đoạn đều sẽ có cho mình những công trình mang một hơi thở riêng biệt không lẫn đi đâu được? Dưới đây CONN Design đã đúc kết lại 5 đặc trưng chủ yếu trong kiến trúc Việt Nam – luôn được ông cha ta áp dụng và được gìn giữ tới ngày hôm nay.
Phong cách giản dị, khiêm tốn
Những cấu trúc của thiết kế truyền thống không cầu kỳ phức tạp, mà luôn mang dáng vẻ giản dị, thanh thoát. Việc luôn kết hợp với thiên nhiên mang đến sự gần gũi cũng như tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tạo ra độ thông thoáng – sáng sủa cho không gian trong nhà ở; không chỉ vậy mà còn phù hợp với cảnh quan cũng như khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam.
Những bố cục của kiến trúc truyền thống không quá nặng nề mà thường được thiết kế một cách nhẹ nhàng, khoáng đạt với những giải pháp như hành lang, sân trong để tránh nắng cũng như che mưa.
Kết hợp chặt chẽ với cảnh quan
Trong kiến trúc cổ và dân gian Việt Nam, cha ông ta đã biết cách lựa chọn một vị trí, địa hình để công trình kiến trúc dựng lên có thể thỏa mãn được yêu cầu sử dụng của đời sống và có giá trị thẩm mỹ nhất định. Vậy nên, không đợi CONN Design chứng minh, các bạn cũng có thể thấy rõ có rất nhiều những kiến trúc truyền thống Việt Nam nhờ tính thẩm mỹ đó mà trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng cố đô Hoa Lư, Huế, chùa Thầy, chùa Thiên Mụ,… Không chỉ là kiến trúc đẹp mà còn là vị trí thuận lợi, có thể ngắm non xanh nước biếc xung quanh ta
Bố cục hài hòa,cân xứng
Trong bất kì kiến trúc nào thì yếu tố hài hòa và cân xứng là những yếu tố đòi hỏi khi thiết kế để tạo ra một không gian hoàn hảo nhất. Kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng vậy, hầu hết những kiến trúc truyền thống Việt Nam đều được thiết kế theo bố cục hài hòa và cân xứng. Bố cục này tạo nên được một không gian có tính thẩm mỹ cao cho những kiến trúc truyền thống, đồng thời cũng khéo léo vận dụng được những yếu tố tạo hình thống nhất và biến hóa, giúp cân bằng và ổn định hơn.
Màu sắc mang tính dân gian
Đặc điểm kiến trúc Việt Nam theo truyền thống là sự kết hợp hài hòa về màu sắc và các hoa văn trang trí, phù điêu giúp tô điểm cho các công trình kiến trúc cung đình, tôn giáo, tín ngưỡng một vẻ đẹp riêng. Những công trình thiết kế cho cung đình hay những nơi tôn nghiêm như đình, chùa đều được trú trọng về màu sắc và cách bài trí để phù hợp với sự tôn nghiêm cần có mà vẫn thể hiện rõ được bản sắc dân tộc.
Sử dụng vật liệu địa phương
Những kiến trúc truyền thống Việt Nam để tăng thêm được tính truyền thống thường được sử dụng những vật liệu xây dựng địa phương để tăng thêm tính truyền thống. Những vật liệu đó thường là tre, gò, đá, gạch, ngói,… Những vật liệu này là những vật liệu ít có sự biến đổi từ đời này sang đời khác. Kết cấu của những kiến trúc truyền thống được xây dựng kiên cố, vững chắc dựa trên sự tính toán và sử dụng hợp lý những tính năng vật liệu, bố cục hình dạng và kích thước kiến trúc có cơ sở nghệ thuật và tính khoa học rõ ràng nhất để lại những công trình có giá trị cao.
Ngày nay, khi những kiến trúc truyền thống được tu sửa lại phục vụ cho mục đích tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì người Việt Nam đã biết khéo léo sử dụng những vật liệu xanh hoặc gạch ốp lát cao cấp để tăng thêm được độ bền cho không gian, đồng thời vẫn đảm bảo giữ được những nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam từ thời xa xưa.
Với các thông tin được chia sẻ trên, hy vọng qua bài viết này các bạn đã có thêm một góc nhìn tổng quan cũng như những thông tin cần thiết trước khi chọn cho tổ ấm của mình một phong cách thiết kế phù hợp. Hãy cùng CONN Design tiếp tục theo dõi bài viết về nội thất nước Việt Nam ở phần sau các bạn nhé!
(Nguồn: Sưu tầm)
Tôi là Trang, Founder của CONN Design - công ty chuyên thiết kế và thi công không gian kinh doanh. Tôi tốt nghiệp trường đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh và đam mê ngành thiết kế từ nhỏ. Tôi luôn mong muốn tạo ra những không gian đẹp, tiện nghi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng thiết kế là một ngôn ngữ không lời để thể hiện cá tính và giá trị của con người. Một câu châm ngôn về thiết kế mà tôi thích là: "Thiết kế không chỉ là những gì bạn nhìn thấy, mà còn là những gì bạn cảm nhận."
Trần Thị Hồng Trang
KHÁM PHÁ
Thiết kế nội thất - 17 Tháng Chín, 2023
Top các mẫu thiết kế bảng hiệu quán cafe theo xu hướng năm 2023
Thiết kế nội thất - 11 Tháng Chín, 2023
Tổng hợp những mẫu thiết kế quán cafe bình dân đẹp nhất 2023
Thiết kế nội thất - 10 Tháng Chín, 2023
30+ mẫu thiết kế văn phòng hiện đại đẹp, ấn tượng nhất 2023