Các bạn biết không, ngày nay khi nền văn hóa – kiến trúc trên toàn thể giới trở nên vô cùng phát triển và đa dạng, việc tiếp thu những sự đổi mới & áp dụng vào thực tế vô cùng dễ dàng. Rất nhiều phong cách và thiết kế nội thất của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Pháp được sử dụng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Việt Nam không có một nét đặc trưng riêng biệt trong thiết kế nội thất. CONN Design sẽ giới thiệu với các bạn hai phong cách thiết kế nội thất mà đang dần trở thành xu hướng và lựa chọn.
Riêng về phong cách thiết kế nội thất tại Việt Nam có vô vàn sự kết hợp giữa những phong cách như Rustic, Bắc Âu hay Vintage, tuy nhiên trong bài viết này CONN Design sẽ chỉ giới thiệu với các bạn hai phong cách được xem là ưu chuộng nhất và mang đậm phong cách Việt Nam nhất: đó là phong cách Indochine và phong cách thiết kế hiện đại.
Nội dung bài viết
1. Indochine Style
Trong giai đoạn Pháp đô hộ Việt Nam, hai nền văn hóa Đông – Tây giao thoa đã tạo nên một phong cách vô cùng đặc biệt – Indochine Style. Những công trình văn hóa, biệt thự, nhà cửa, trang trí nội thất… là những dấu ấn sống động của tâm hồn con người trên “miền đất hứa” – Việt Nam. Nghe thì đã nghe nhiều rồi nhưng các bạn có thắc mắc phong cách Indochine trong thiết kế nội thất là gì không?
Phong cách Indochine tiêu biểu nhất ở cả 6 nước Đông Dương (gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam). Không thể không kể đến người sáng lập ra phong cách nội thất này, Ernest Hébrard – một giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một viên chức cao cấp được chính phủ Pháp đưa sang phụ trách công tác quy hoạch ở ba nước Đông Dương. Ông còn là một kiến trúc sư nổi tiếng đã đoạt giải Prix de Rome. Tiếp theo hãy cùng CONN Design tìm hiểu các đặc trưng của phong cách này nhé.
Phong cách thiết kế nội thất Indochine thể hiện sự sang trọng nhưng không kém phần lãng mạn, nhưng đâu đó vẫn có chút dư vị của phong cách truyền thống. Đây là một phong cách cần được chọn lọc kỹ ở mảng nội thất cũng như lựa chọn vật liệu trang trí. Những yếu tố đặc trưng của Indochine mà CONN Design muốn giới thiệu với các bạn như sau:
Màu sắc
Nội thất của phong cách Indochine sử dụng tông màu trung tính: chẳng hạn như vàng nhạt, vàng kem, trắng để không gian có cảm giác ấm áp, dễ chịu hơn – tông màu này còn giúp cho việc lựa chọn không gian nội thất nổi bật hơn với các màu sắc tự nhiên của gỗ, mây, tre. Thế nhưng các bạn sẽ bắt gặp màu sắc chủ đạo ngoài các gam màu trung tính thì những gam màu nóng, nhiệt đới cũng mang lại giá trị đặc biệt khiến không gian trở nên bắt mắt hơn về mặt thị giác. Hơn nữa, những gam màu này giúp tái hiện lại sự cao quý, vương giả và quyền lực của cung đình xưa.
Tiếp theo, vật liệu được sử dụng cũng không kém phần quan trọng đâu nhé. Khác với nội thất hiện đại với nhiều chất liệu như kính, đá – phong cách Indochine hướng nhiều hơn đến các vật liệu truyền thống Á Đông như:
- Gỗ – Bởi chất liệu gỗ mang đến sự tự nhiên, mộc mạc, hiện diện trong thiết kế phong cách Indochine, thường được bao phủ bởi lớp sơn tối màu. Khi kết hợp với cách bày trí phù hợp sẽ giúp không gian trở nên vô cùng sang trọng. Gỗ còn được sử dụng trong các hạng mục như cửa, trần, sàn, bàn ghế, giường, tủ, khung kết cấu, các chi tiết trang trí như tượng tròn, ván ốp tường, gạch ốp tường phù hợp do đặc tính mềm và bền bỉ.
- Mây, tre – đây là 2 vật liệu quá quen thuộc với đất nước chúng ta – được xem là vật liệu truyền thống từ xưa đến nay. Tre được sử dụng rộng rãi trong thiết kế nội thất Indochine để làm vách ngăn, vật trang trí và tạo hình ảnh đẹp nhờ độ bền cao và khả năng chống ẩm mốc, mối mọt. Việc sử dụng những vật liệu từ thiên nhiên, đem hoa cỏ vào các họa tiết trang trí khiến cuộc sống của con người đậm chất thanh bình, giản dị.
- Ngói: Giai đoạn pháp thuộc ngói chủ yếu được làm bằng xi măng. Với độ bền cao và đặc tính có thể giúp làm mát ngôi nhà vào mùa hè, ngói cũng là một nét độc đáo trong phong cách Indochine. Song song với ngói, gạch bông cũng là những vật liệu được ưa chuộng bởi sự đa dạng trong kiểu dáng cũng như màu sắc, chủ yếu sẽ được gia chủ ốp tường, lát nền.
- Hệ thống cửa của kiến trúc Đông Dương sẽ được thiết kế 2 lớp. Lớp trong là vật liệu xây dựng khung kính có tác dụng lấy sáng, ngăn mưa gió. Đồng thời, cửa kính ở phía trong còn để tránh côn trùng và giữ ấm vào mùa đông. Lớp ngoài cửa chớp (dạng lá sách), pano gỗ kết hợp với song sắt có tác dụng thông khí, lấy ánh sáng cũng như lấy gió từ bên ngoài vào trong nhà.
Mẫu cửa lá sách hay còn gọi là cửa chớp được sử dụng phổ biến giúp thông gió. Giải pháp lấy gió và lấy sáng tạo ra lớp không khí trung hòa nhằm cách nhiệt, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Trong nội thất Đông Dương, hệ cửa sổ được bố trí khá dày đặc trên tường công trình. Nhiều cửa sổ cao và rộng ở dãy hành lang ở những bên bị ảnh hưởng trực tiếp của ánh nắng mặt trời gay gắt.
Và cuối cùng là các hoa văn, họa tiết – phong cách thiết kế nội thất Indochine ngoài việc nhấn mạnh tính thẩm mỹ kiến trúc còn đề cao chiều sâu và giá trị của các họa tiết trang trí. Khi nhìn vào các yếu tố của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng các mô-típ xuất hiện lần đầu tiên vào thời Đông Sơn, với những đường nét đơn giản được cách điệu từ hoa và lá. Sau đó, đến thời kỳ Trường Sơn, các mô-típ của Phong cách Đông Dương được cách điệu và tổng hợp từ các hình vẽ ô vuông, chữ nhật, hoa lá, tĩnh vật được thể hiện một cách tỉ mỉ, tinh tế, mang đậm tính nghệ thuật. cực kỳ tài năng Sự tích hợp đường nét của mẫu không bị hạn chế bởi bất kỳ quy tắc nào. Nhờ vậy, khi áp dụng vào các chi tiết như trần, tường, sàn, vách ngăn và các vật dụng trang trí, những họa tiết này tạo nên chất riêng rất riêng chỉ có ở phong cách Đông Dương. Dưới đây sẽ là các chi tiết và họa tiết được sử dụng trong phong cách Indochine, cùng CONN Design lược sơ qua nhé:
- Motip Tứ linh – Tứ quý: Hình ảnh Tứ Linh trong văn hóa phương Đông là 4 con vật linh thiêng và có nhiều phép màu nhiệm. Bốn con vật đó là Rồng – Kỳ Lân – Rùa – Phượng Hoàng, hay còn được gọi ngắn gọn với cái tên thân thuộc là Long – Lân – Quy – Phụng. Đề tài Tứ linh xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, từ thời đầu Công Nguyên và phát triển mạnh từ thời Lý với huyền thoại “Thăng Long”.
- Motip chim – thú: Họa tiết Hạc, Trĩ và Công cũng đều có chứa một hàm ý triết học hoặc văn hóa sâu sắc.
- Motip thực vật (lá đề, hoa sen, hoa chanh) – Tứ quý gồm: tùng, cúc, trúc, mai, biểu tượng cho bốn mùa thanh tịnh hay họa tiết hoa sen: có từ thời Lý, biểu tượng của sự trong sạch, thanh tịnh của Phật giáo và cũng là Quốc hoa của Việt Nam ta qua các thời kỳ.
- Phù điêu, tượng tròn: trong phong cách Đông Dương, phù điêu và tượng tròn với những vật liệu phong phú (gỗ, đất nung, đá, sứ, đồng,…), những hình dạng đa dạng là dấu ấn nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam và Champa.
Phù điêu, tượng tròn Chămpa thể hiện quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Champa, đã xuất hiện từ thời Lý và thời Mạc trong những ngôi đền, chùa tại Việt Nam. Một số phù điêu, tượng tròn thường thấy: Nhạc công thiên thần Gandharva, nữ thần đầu người mình chim Kinnari, tiên nữ Apsara, chim thần Garuda…
Không chỉ được ưa chuộng vào thời kỳ Pháp thuộc mà đến tận ngày nay, phong cách này vẫn được nhiều người đón nhận và áp dụng trong nhiều không gian riêng tư lẫn thương mại. Bởi lẽ Indochine style đã vô cùng thành công trong việc gói gọn những tinh hoa của tinh thần dân tộc Việt nhưng vẫn có nét hiện đại, tiện nghi của văn hóa Phương tây.
2. Phong cách thiết kế nội thất hiện đại
Phong cách Đông Dương mà CONN Design vừa giới thiệu là một phong cách khá được ưa chuộng nhưng bởi sự cầu kỳ và tỉ mỉ trong từng chi tiết nên đôi khi phong cách thiết kế nội thất hiện đại vẫn được ưu tiên hàng đầu. Cấu trúc và phần mặt tiền của phong cách này sẽ được lược bỏ hoàn toàn những thiết kế rườm rà của phong cách cổ điển và tân cổ điển. Thay vào đó là sự đơn giản thiết kế đến tối đa và sử dụng những vật liệu hiện đại như kính, khung nhôm cửa. Các bạn hãy cùng CONN Design điểm qua những đặc điểm trong phong cách thiết kế nội thất hiện đại nhé!
Nếu như các phong cách cổ điển ưu tiên hình tròn, oval thì phong cách hiện đại sẽ đơn giản hơn nhiều. Phong cách này chủ yếu sẽ tập trung vào những khối hình vuông, chữ nhật, đường thẳng nhằm tạo ra sự tinh tế và gây ấn tượng cho người nhìn. Nhìn tổng thể các bạn sẽ cảm nhận được một nguồn năng lượng vô cùng tươi mới chứ không hề gai góc.
Về nguyên tắc sử dụng các gam màu sắc, có thể nói rằng gam màu khá tự do chứ không được đặt trong một khuôn mẫu nhất định. Gia chủ có thể dùng bất cứ màu nào, tuy nhiên có một đặc điểm chung đó là một gam màu chủ đạo sẽ được chọn cho toàn bộ ngôi nhà.
Dĩ nhiên không thể thiếu trong các đặc điểm chính đó chính là nguồn sáng của căn nhà. Yếu tố ánh sáng được tập chung rất nhiều trong kiến trúc hiện đại bởi sự kết hợp của ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Ánh sáng tự nhiên thường được lấy từ những cửa sổ, cửa chính, ô sáng, giếng trời. Các bạn rất quen thuộc với hình ảnh giếng trời trong gia đình rồi đúng không nào. Không chỉ riêng với Việt Nam, ánh sáng luôn là một trong những đặc điểm vô cùng quan trọng mà các kiến trúc sư hay gia chủ đều luôn muốn hướng tới.
Và cuối cùng đó chính là cách lựa chọn bố cục và tổ chức không gian, các ngôi nhà mang phong cách thiết kế nội thất hiện đại đều được tập trung vào công năng của các phòng sao cho sự bày trí – bố trí vị trí cho hợp lý nhất. Tính tiện nghi sẽ là ưu tiên của gia chủ khi thiết kế và sắp xếp một không gian trong gia đình.
3. Nhà ba gian
Nếu các bạn đã cảm thấy choáng ngợp bởi những đồ vật thiết kế và màu sắc có phần hơi cá tính và cầu kỳ, tiếp theo CONN Design muốn đưa các bạn đến với một cấu trúc gần gũi hơn, mộc mạc hơn mang đậm vẻ thuần túy của bản sắc dân tộc Việt Nam – đó chính là cấu trúc nhà ba gian truyền thống.
Nhà ba gian là gì?
Vậy nhà ba gian là gì, có lẽ không cần giới thiệu các bạn cũng có thể hình dung được cấu trúc chính của tổng thể ngôi nhà sẽ gồm ba gian chính. Nhà 3 gian, đúng như tên gọi được thiết kế chia làm ba gian nhà. Gian giữa được coi như phòng khách. Ở ngay vị trí trung tâm – chính giữa được xem là nơi quan trọng nhất trong gia đình nên diện tích cũng sẽ lớn hơn những gian khác. Đây là nơi đặt bàn thờ để thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, hình ảnh một cái phản hay sập có lẽ là hình ảnh quá quen thuộc mà các bạn ai ai cũng đã từng thấy. Hai bên gian giữa được sử dụng làm phòng ngủ nghỉ của các thành viên trong gia đình.
Chắc các bạn cũng không xa lạ gì với việc phong thủy được áp dụng khi gia chủ muốn xây nhà, chọn hướng tốt cho ngôi nhà của mình. Và điều đó cũng đã có từ rất lâu đời, chẳng hạn như người xưa luôn quan niệm rằng nhà bếp nên được đặt ở phía Tây – đặt vuông góc với khu gian chính sẽ đem lại những điều tốt lành, giúp gia đạo được hòa thuận, êm ấm. Bên phải ngôi nhà thường xây nhà phụ hoặc nhà ngang để làm kho chứa đồ hoặc chứa thóc.
Nhà ba gian là kiểu nhà không biết đã gắn bó với biết bao nhiêu thế hệ, tuổi thơ của người Việt. Chính bởi những ký ức đẹp đẽ của nhà ba gian, nên hiện nay tuy chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới nhưng CONN Design vẫn có cơ hội được gặp gỡ những vị khách muốn tìm về phong cách thiết kế nhà ba gian truyền thống. Dĩ nhiên đâu đó vẫn có sự kết hợp và một chút biến đổi so với cấu trúc truyền thống, để phù hợp hơn với xu thế hiện đại để gia chủ có thể đắm mình trong không gian hoài niệm, yên bình.
Nhà ba gian là hình ảnh có thể dễ dàng thấy được trải dài từ Bắc chí Nam trên dải đất hình chữ S, tuy nhiên cũng tùy vào khu vực mà nhà ba gian được phân biệt cụ thể. Nhưng nhìn chung, Conn Design vẫn có thể đúc kết lại cấu trúc nhà ba gian dù cho ở khu vực nào thì vẫn mang một cấu trúc chung đó là gian nhà được chia thành 3 gian cụ thể, nhưng tùy vào vùng-miền sự sắp xếp và lựa chọn kiến trúc – trang trí nội thất sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
Nhà ba gian hai chái miền Bắc
Nhà gỗ 3 gian 2 chái miền Bắc có gian giữa là gian chính dùng để thờ tự. Ở đây thường bố trí 1 bộ bàn ghế tiếp khách hay sập ngày xưa. Hai gian còn lại kế bên thường sử dụng làm nơi nghỉ ngơi gồm giường hoặc phản. 2 chái là 2 phòng nhỏ ở đầu nhà và diện tích sẽ nhỏ hơn gian chính giữa – với công dụng chính được gia chủ sử dụng làm phòng ngủ hoặc chứa thóc lúa đồ đạc. Phía sau nhà ở khu vực miền Bắc thường được trồng chuối, cau hoặc ao cá là những yếu tố đặc thù của người Việt Xưa ở khu vực miền Bắc.
Nhà rường Huế ba gian hai chái
Nhà rường Huế là một loại kiến trúc truyền thống Việt ra đời dưới thời phong kiến và chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc Trung Hoa. Nhà rường có thiết kế thấp, các kết cấu cột kèo bằng gỗ được liên kết với nhau hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ và có thể tháo lắp dễ dàng. Mái nhà được lợp bằng ngói liệt với 2 tầng dày chồng lên nhau, do vậy đem lại sự ấm áp vào mùa đông sẽ mát mẻ vào mùa hè.
Nhà ba gian hai chái Nam Bộ
Nhà ba gian Nam Bộ có cấu trúc đơn giản hơn, nhà được chia thành các gian vừa đủ sử dụng. Với nhà cổ Nam bộ, các đường nét hoa văn chạm khắc miêu tả cuộc sống sinh hoạt lao động của người dân. Được chạm khắc trên cột nhà và các đồ nội thất như tủ, giường.
Đặc điểm tạo nên nhà ba gian hoàn chỉnh
Thông thường, trong một căn nhà ba gian truyền thống như đã chia sẻ, không gian chính được sử dụng làm gian phòng thờ hay tiếp khách sẽ được trang trí khá đơn giản gồm bàn thờ, một bộ tràng kỷ hoặc phản để tiếp khách. Chủ yếu các vật dụng này đều sẽ được sử dụng bằng chất liệu gỗ – khắc họa những họa tiết rồng phụng thường thấy. Hai gian bên cạnh là nơi để các thành viên nghỉ ngơi nên thường sẽ chỉ có giường hoặc có thể kê những chiếc kế, chiếc tủ để tivi, hay các đồ trang trí khác tùy vào sở thích của gia chủ. Phối cảnh ngoại thất và nội thất nhà 3 gian cho thấy sự đơn giản, gọn nhẹ trong từng chi tiết, không quá cầu kỳ trong màu sắc cũng như họa tiết sử dụng. Dường như chính cuộc sống thôn quê, yên bình khiến cho mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng, đơn giản như trong chính không gian ngôi nhà vậy.
Thật sự mà nói, “phong cách” Việt Nam thực sự có rất nhiều sự pha trộn cũng như ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác – cả từ trong nước và những ảnh hưởng bên ngoài qua nhiều thế kỷ. Thật khó để xác định một phong cách cụ thể cho ngôi nhà Việt Nam, nhưng điều đó sẽ không gây quá nhiều khó khăn cho các bạn vì đã có đội ngũ CONN Design ở đây, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe những ý tưởng của các bạn và thực hiện hóa chúng. Các bạn cảm thấy sự hấp dẫn của phong cách thiết kế Indochine, hay mong muốn một phong cách gần gũi và mộc mạo như phong cách nhà ba gian truyền thống? Dù cho các bạn có là một fan của phong cách nào, thì đội ngũ CONN Design đều có thể hỗ trợ các bạn hết mình. Đừng quên điều đó nhé.
(Nguồn: Sưu tầm)
Tôi là Trang, Founder của CONN Design - công ty chuyên thiết kế và thi công không gian kinh doanh. Tôi tốt nghiệp trường đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh và đam mê ngành thiết kế từ nhỏ. Tôi luôn mong muốn tạo ra những không gian đẹp, tiện nghi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng thiết kế là một ngôn ngữ không lời để thể hiện cá tính và giá trị của con người. Một câu châm ngôn về thiết kế mà tôi thích là: "Thiết kế không chỉ là những gì bạn nhìn thấy, mà còn là những gì bạn cảm nhận."
Trần thị Hồng Trang
KHÁM PHÁ
Tin tức mớiThiết kế nội thất - 28 Tháng Hai, 2023
Giải pháp thông gió tự nhiên trong thiết kế nội thất
Thiết kế kiến trúc - Thiết kế nội thất - 25 Tháng Hai, 2023
Kiến trúc và nội thất nước Anh
Thiết kế kiến trúc - Thiết kế nội thất - 21 Tháng Hai, 2023
Kiến trúc và nội thất nước Ý