Kiến trúc và nội thất nước Ý

- 21 Tháng Hai, 2023
Kiến trúc và nội thất nước Ý | CONN Design

Không phải hiển nhiên mà Ý được mệnh danh là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới. Tại Ý không chỉ nổi tiếng về tinh hoa trong ẩm thực, hay những địa điểm du lịch với phong cảnh vô cùng hùng vĩ mà người ta biết đến Ý còn bởi sự ấn tượng trong lịch sử cùng những công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Có vô vàn những thành tựu đáng chú ý trong các lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc, hội họa khiến mọi người háo hức muốn ghé thăm Ý và chứng kiến tận mắt những cột mốc mang tính lịch sử cũng như chiêm ngưỡng những công trình bằng xương bằng thịt. Hãy cùng tìm hiểu phần đầu tiên của bài viết hôm nay, chúng ta sẽ nói về lịch sử hình thành và các phong cách kiến trúc của đất nước Ý xinh đẹp này nhé. 

Nội dung bài viết

1. Kiến trúc

Lịch sử kiến trúc Ý 

Các bạn biết không, kiến trúc Ý có một lịch sử lâu đời và có niên đại từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Kể từ đó, nó đã trải qua nhiều giai đoạn thay đổi và phát triển, dẫn đến những phong cách độc đáo mà chúng ta thấy ngày nay. 

Đầu tiên phải quay ngược về giai đoạn sơ khai – thời kỳ Hy Lạp cổ đại và người Etruscans. Nền văn minh của người cổ đại Etruria (được gọi là Etruscan) được ghi nhận là có ảnh hưởng sớm nhất đối với kiến trúc Ý. Kiến trúc Etruscan phát triển chủ yếu ở khu vực trung tâm nước Ý, đặc biệt là ở Tuscany. Đặc trưng của các tòa nhà của người Etruscan được làm từ gạch và gỗ, do đó, rất ít địa điểm kiến trúc Etruscan còn tồn tại ở Ý, ngoại trừ một số ít ở Volterra, Tuscany và Perugia. Một số phát minh đến từ nền văn minh này là mái vòm, lăng mộ và nhà hát vòng tròn.

Cũng trong giai đoạn này, việc xây dựng các đền thờ vô cùng phổ biến – Các ngôi đền Hy Lạp được biết đến với những cột đá hoặc đá cẩm thạch được chạm khắc vô cùng tinh vi. Ngày nay, có một số tàn tích của kiến trúc Hy Lạp ở Ý có thể kể đến như Đền thờ Hera Lacinia ở Valle dei Templi (Sicily) vẫn còn được bảo tồn và là một địa điểm thu hút khách du lịch vô cùng nổi tiếng. Ngoài ra, Valle dei Templi còn được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO – đây chắc chắn là nơi các bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm Ý.

Tiếp theo sau đó phải kể đến giai đoạn kiến trúc La Mã cổ đại trên đà phát triển bắt đầu từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Người La Mã tiếp thu ảnh hưởng của Hy Lạp, rõ ràng ở rất nhiều khía cạnh liên quan mật thiết đến kiến trúc. Cùng với sự phát triển của xã hội, phân chia giai cấp, tầng lớp của sự giàu có và mật độ dân số cao ở các thành phố buộc người La Mã cổ đại phải khám phá ra các giải pháp kiến trúc mới của riêng họ. Việc sử dụng cấu trúc hầm và mái vòm kết hợp với kiến thức vững chắc về vật liệu xây dựng, đã giúp họ đạt được những thành công chưa từng có trong việc xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ dành cho mục đích công cộng. Các ví dụ nổi bật bao gồm cống dẫn nước của Rome, Nhà tắm Diocletian và Đấu trường La Mã. Chúng được sao chép ở quy mô nhỏ hơn ở các thị trấn và thành phố lớn trên khắp Đế quốc. Một số cấu trúc còn sót lại gần như hoàn toàn nguyên vẹn, chẳng hạn như các bức tường thành phố Lugo ở Hispania Tarraconensis.

Ở Ý ngày nay, những mảnh kỳ quan kiến trúc từ cả Đế chế La Mã phương Đông và phương Tây vẫn được bảo tồn, chẳng hạn như Đấu trường La Mã, điện Pantheon, thành phố Pompeii, Quảng trường La Mã và Đấu trường Verona – đấu trường La Mã được xem là được bảo tồn một cách nguyên vẹn nhất. 

Chúng ta hãy cùng tiếp tục đi đến Thời kỳ Trung cổ vào đầu thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên – nơi hình thành phong cách Byzantine và Romanesque ra đời . Trong giai đoạn này, khi Byzantium đã trở thành thủ đô của Đế chế La Mã đã trở thành một bước ngoặt trong kiến trúc Ý khi các xu hướng bắt đầu chuyển sang cái mà ngày nay được gọi là nghệ thuật Byzantine.

Nhà thờ và các công trình kiến trúc được xây dựng theo phong cách Byzantine ở các thành phố và làng mạc lớn trên khắp đất nước trong thời kỳ này và một trong những đặc điểm của phong cách kiến trúc này là việc sử dụng các mái vòm tròn mà các bạn dễ dàng thấy ở các công trình kiến trúc nhà thờ.Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 6, khi châu Âu bị cai trị bởi người Barbarian đã mở ra một thời kỳ đen tối giữa chiến tranh, nạn đói. Các khía cạnh khác nhau của xã hội dần suy giảm, và lĩnh vực kiến trúc cũng không thể tránh khỏi điều này. Sự hồi sinh chỉ đạt được sau thế kỷ thứ 10 khi phong cách kiến trúc Romanesque bắt đầu được biết đến và phổ biến rộng rãi ở châu Âu.

Giữa thời kỳ Byzantine và Gothic là phong trào Romanesque, diễn ra từ khoảng năm 800 sau Công nguyên đến năm 1100 sau Công nguyên. Đây là một trong những thời kỳ đạt hiệu quả và mang tính sáng tạo nhất trong kiến trúc Ý, khi một số kiệt tác như Tháp nghiêng Pisa ở Piazza dei Miracoli và Vương cung thánh đường Sant’Ambrogio ở Milan được xây dựng. Phong cách này được gọi là “Roman”-esque vì cấu trúc chính được sử dụng đó là các mái vòm La Mã, cửa sổ kính màu và các cột cong thường thấy trong các tu viện. Hầu hết các tòa nhà đôi khi được xây dựng bằng đá và gỗ, họ lấy các mái vòm tròn và các cột từ Kiến trúc La Mã.

Các tòa nhà kiểu La Mã như San Miniato al Monte, Duomo và San Francesco ở Ý được xây dựng với nền tảng tôn giáo – cấu trúc thông thường sẽ bao gồm mặt bằng chữ thập Latinh, cùng các mặt tiền đối xứng. Một đặc điểm khác trong kiến trúc Romanesque là việc sử dụng Tháp Nhà thờ. Nó có thể có nhiều hình dạng khác nhau như : hình vuông, hình tròn hoặc hình bát giác, và đôi khi đứng tự do như Tháp Pisa nổi tiếng. Và kiến trúc kiểu La Mã lan rộng gần như khắp lục địa do được sử dụng hầu hết trong các tòa nhà giáo hội.

Tiếp theo đây là sẽ một phong cách khá quen thuộc mà các bạn đã từng nghe qua ít nhất 1 lần – đó chính là phong cách Gothic – được xuất hiện lần đầu tiên xuất hiện ở Ý vào thế kỷ 12. Đây có thể nói là  phong cách này bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các biểu tượng tôn giáo hay các câu chuyện Kinh thánh nổi tiếng. Những yếu tố đặc trưng của kiến ​​trúc Gothic đó chính là những chiếc cửa sổ kính màu lớn, mái nhọn cùng lối trang trí công phu. Các công trình kiến ​​trúc Gothic có mặt hầu như ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Á đến lục địa châu Phi. Nếu không có sự đóng góp của Ý vào phong trào Gothic thì có lẽ phong cách đẹp đẽ, tráng lệ và hoành tráng này sẽ bị hạn chế hơn nhiều và ít được biết đến hơn.

Thật không khó để tìm kiếm những công trình mang đậm phong cách kiến trúc Gothic ở Ý – đặc biệt là ở Milan. Milan là một trong những thành phố tập trung nhiều điểm du lịch nghệ thuật và kiến trúc nhất với các nhà thờ và thánh đường tráng lệ nhất với cửa sổ kính màu, tu viện nguy nga lộng lẫy. 

Sau phong cách Gothic ra đời, chúng ta đến với thời kỳ Phục hưng và Baroque, thời kỳ đánh dấu sự trở lại của những ý tưởng và nguyên tắc cổ điển. Như đã đề cập trước đó, thời kỳ Phục hưng là một trong những hiện tượng nổi tiếng của Ý. Nước Ý trong giai đoạn thế kỷ 15, và đặc biệt là thành phố Florence – được xem là quê hương của thời kỳ Phục hưng.  Khái niệm thẩm mỹ đã được đưa trở lại trong thời kỳ kiến trúc Phục hưng, điều mà các thời kỳ trước đó như phong cách Gothic đã bỏ qua. Vẻ đẹp trong thời kỳ Phục Hưng mang đến tỷ lệ và sự hài hòa được nhấn mạnh trong các thiết kế kiến trúc, và các yếu tố được sử dụng được ghi nhận là dễ nhìn hơn, 

Như trong thế giới Cổ điển, kiến trúc Phục hưng được đặc trưng bởi sự hài hòa giữa tỷ lệ con người và toán học.Các yếu tố kiến trúc chính của các tòa nhà thời Phục hưng bao gồm các cột, trụ hoa tiêu, bệ đỡ, đường viền, mái vòm. Những công trình tiêu biểu có thể kể đến cho các bạn như:

  • Nhà thờ thánh Peter: Được thiết kế bởi Alberti, Raphael, Bramante, Michelangelo và Bernini, Nhà thờ St Peter có lẽ là công trình nổi tiếng nhất của kiến trúc Phục hưng bởi tính nghệ thuật, kiến trúc hùng vĩ và khối lượng tuyệt đối của nó. Đặc biệt hơn, mái vòm mang tính biểu tượng của phong cách phục hưng được thiết kế bởi Michelangelo, được xem là mái vòm cao nhất thế giới.

  • Vương cung thánh đường Santa Maria Novella: Santa Maria Novella là vương cung thánh đường lớn đầu tiên ở Florence và là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về kiến trúc thời kỳ đầu Phục hưng ở Ý. Mặt tiền được trang trí bằng đá cẩm thạch trang nhã và hài hòa được tạo ra bởi Leon Battista Alberti, người đã kết hợp những lý tưởng về kiến trúc nhân văn, tỷ lệ và chi tiết lấy cảm hứng từ cổ điển.

Mãi đến khi thời kỳ Phục hưng kết thúc, phong cách Baroque xuất hiện vào khoảng thế kỷ 16. Điều thú vị là tên của phong cách này cũng đã phần nào mô tả bản chất nghệ thuật – Baroque bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp có nghĩa là “hình dạng bất thường”. Lấy cảm hứng từ kiến trúc thời Phục hưng vốn đã nổi tiếng với mái vòm và cột, phong trào Baroque đã điều chỉnh những đặc điểm kiến trúc Ý hiện có này để trở nên phức tạp hơn. Các phương thức được sử dụng trong phong cách này là hình tứ giác bao gồm các cột xoắn ốc, mái vòm được sơn công phu. Không chỉ đơn giản như vậy, phong cách kiến trúc Baroque còn muốn thể hiện tiêu biểu nhất là nhấn mạnh hiệu quả ảnh ảo, làm cho không gian có chiều sâu sâu hơn và chiều dài sẽ dài hơn. Các bạn có thể dễ dàng nhận ra kiến trúc này bởi những hình oval đặc trưng, xuất hiện ở hầu như tất cả mọi nơi từ những chi tiết uốn lượn đến các góc nhỏ khuất trên cao.

Đặc điểm của nghệ thuật kiến trúc Baroque thể hiện sự hùng vĩ, lộng lẫy, tráng lệ cùng với  những cảm xúc mãnh liệt, sự coi trọng hiệu quả của thị giác, sự hòa hợp giữ hiện thực và hư ảo, sự tương phản giữ bóng tối và ánh sáng. Một số công trình tiêu biểu các bạn có thể tham khảo qua như: 

  • Santa Maria ở Vallicella, một trong những nhà thờ lớn theo phong cách Baroque của Rome, nằm ở quảng trường trên Corso Vittorio Emanuele II.

  • Đài phun nước Trevi – Có lẽ đây là đài phun nước nổi tiếng nhất thế giới, Trevi được xây dựng vào năm 1762 bởi Nicola Salvi. Đây cũng là đài phun nước theo phong cách Baroque lớn nhất ở Rome với gần 80.000.000 lít nước lưu thông qua hệ thống mỗi ngày. 

Có lẽ như Ý được biết đến nhiều nhất với kiến trúc Phục hưng và Baroque, nhưng mạch sáng tạo của đất nước không hề kết thúc vào những năm 1700. Trong suốt những thập kỷ trải dài từ thế kỷ 19 và 20, một phong trào nghệ thuật mới đã tràn qua Châu Âu và Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ thời trang và quảng cáo đến nghệ thuật trang trí. Đáng chú ý nhất, phong trào này đã để lại dấu ấn trong kiến trúc thời bấy giờ, và cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những đường nét thực vật hữu cơ của nó trong các mặt tiền và nội thất trên khắp nước Ý.

Đó cũng là kiểu kiến trúc cuối cùng mà Conn Design muốn giới thiệu tới các bạn. Ở Pháp, phong trào này được gọi là “Art Nouveau”, nhưng ở Ý ban đầu nó được gọi là “Floreale”—sau đó được đổi thành “Liberty” theo tên cửa hàng Liberty & Co. Thoát khỏi hình học cứng nhắc của quá khứ, phong cách Liberty được thể hiện bằng những đường nét mềm mại hơn được tìm thấy trong tự nhiên (và được hỗ trợ bởi các kỹ thuật mới để định hình sắt, thủy tinh và xi măng) và trở thành dấu ấn của một thế hệ thượng lưu và trung lưu mới.  Ngay từ tên gọi đã cho chúng ta thấy được phong cách kiến trúc này đặc biệt chú trọng vào từng chi tiết mang đầy tính nghệ thuật. Tuy nhiên, điểm khác biệt của lối kiến trúc kiểu này là những chi tiết hoa lá không đối xứng hình xoắn tựa như mái tóc của người phụ nữ tung bay trong gió.

Liberty đạt đến thời kỳ hoàng kim sau Triển lãm Turin năm 1902, và các trung tâm kiến trúc Liberty lớn được trải rộng khắp nước Ý.Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về Art Nouveau ở Ý là Casa Fenoglio-Lafleur, một tòa nhà lịch sử ở Turin, là biểu hiện thuần túy của Phong cách Liberty –  Được xây dựng vào năm 1902, tòa nhà được thiết kế bởi kỹ sư Pietro Fenoglio

Các đặc trưng tiêu biểu trong kiến trúc Ý

Đất nước Ý nổi tiếng với những công trình vĩ đại như tháp nghiêng Pisa, đấu trường Colosseum, nhà thờ Florence Cathedral hay những ngôi nhà thơ mộng ven kênh tại Venice. Dù cho trải qua bao nhiêu thời kỳ với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, song kiến trúc Ý vẫn có những đặc điểm riêng biệt được thể hiện qua

Mặt bằng đối xứng

Nếu như các bạn để ý những công trình Conn Design giới thiệu qua từ đầu video đến giờ, mặt bằng điển hình của nhà thờ và các tòa nhà công cộng khác có hình thức đối xứng, nơi cửa sổ và cửa ra vào được định vị theo tỷ lệ dựa trên một mô-đun nhất định. 

Mặt tiền thời Phục hưng Ý

Không dừng lại ở đó, mặt tiền của các tòa nhà thời Phục hưng được thiết kế đối xứng qua trục thẳng đứng. Các cột và cửa sổ tiến dần về trung tâm, cửa chính sẽ được đặt ở vị trí trung tâm có khi thiết kế kèm ban công ở hai bên để gia tăng thêm sự đối xứng cho tổng thể. Có khi phần mặt tiền sẽ được thiết kế hình tam giác lớn nằm phía trên các cột thẳng đứng. 

Thức cột

Nếu ở bài viết trước khi tìm hiểu về đất nước Pháp, chắc các bạn vẫn còn nhớ 3 thức cột phổ biến của Hi Lạp: Doric, Ionic, Corinthian thì nay các bạn sẽ được biết thêm về 2 loại thức cột La Mã thường thấy trong kiến trúc Tân cổ điển ở Ý. 

Thức cột Tuscan: Được hình thành và sáng tạo từ thức cột Doric nhưng có những ưu thế được xem là phù hợp hơn với các công trình bình thường và có thể áp dụng rộng rãi hơn. Nhìn chung thức cột Tuscan mang một vóc dáng khỏe khoắn, đơn giản và vô cùng mạnh mẽ. 

Nếu phải so sánh thức cột Hi Lạp và La Mã, các bạn có thể thấy cả 2 kiểu cột đều đơn giản, không có chạm khắc hoặc hoa văn trang trí cầu kỳ và cũng không có chân đế. Tuy nhiên cột Tuscan được xây dựng và thiết kế mảnh mai hơn, nhỏ hơn cột Doric. Ngoài ra trục cột Tuscan có phần trơn tru, nhẵn bóng chứ không có các đường sáo (rãnh) như thức cột Doric. 

Thức cột Composite: được ra đời cuối thời Cộng Hòa và được thiết kế bởi sự kết hợp giữa thức cột Ionic và Corinthian. Chính vì được kết hợp phong cách thiết kế giữa 2 thức cột, nên thức cột Composite có các trang trí công phu và tỉ mỉ và xa hoa hơn.

Hiện nay thức cột Composite được sử dụng phổ biến ở các công trình kiến trúc cổ điển, những công trình cổ điển càng lớn như lâu đài, cung điện thường sử dụng thức cột phức hợp này để tăng sự sang trọng và đẳng cấp.

Cổng vòm & Mái vòm

Các vòm được được thiết kế trên các cột hoặc trụ với hình bán nguyệt vô cùng quen thuộc.Cấu trúc mái vòm lần đầu tiên được giới thiệu bởi Brunelleschi khi ông thiết kế mái vòm (duomo) ở Florence – Sau đó, Vương cung thánh đường St Peter cũng được bao bọc bởi mái vòm và kể từ đó nó trở thành một yếu tố bắt buộc trong các nhà thờ.

Với thiết kế hình khối đối xứng, các chi tiết trang trí vòm ovan, vòm bán nguyệt, những ban công đặc trưng và thức cột chống công trình, kiến trúc Italy có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong nhiều công trình hiện đại trên thế giới nhờ vẻ đẹp sang trọng và khác biệt.

2. Nội thất 

Những đặc trưng trong thiết kế nội thất kiểu Ý

Nếu để phải tóm gọn phong cách thiết kế nội thất kiểu Ý chỉ trong 1 hoặc 2 từ, CONN Design sẽ không ngần ngại khi có thể khẳng định thiết kế nội thất kiểu Ý không chỉ sang trọng mà còn toát lên vẻ thanh lịch khó cưỡng. Có thể nói rằng, việc sang trọng không chỉ biểu hiện ở bề mặt hình thức, mà mọi chi tiết nhỏ trong tổng thể cả không gian đều được trau chuốt vô cùng tỉ mỉ. Nhìn chung, việc lựa chọn nội thất kiểu Ý sẽ tập trung vào các mặt hàng xa xỉ mang đậm nét cổ điển nhưng có phần tối giản và đặc biệt chất lượng cao. Các bạn không cần phải phân bổ quá nhiều đồ nội thất trong không gian, chỉ nên ưu tiên những sản phẩm thật sự chất lượng. Dưới đây sẽ là tổng hợp những đặc trưng tiêu biểu trong thiết kế nội thất kiểu Ý để các bạn có một cái nhìn tổng thể và bao quát hơn khi lựa chọn các sản phẩm,vật liệu thiết kế nội thất cho không gian của mình. 

Không gian

Đầu tiên cũng là yếu tố quan trọng nhất trong việc thiết kế nội thất kiểu Ý – thật sự nói không ngoa khi gọi người Ý là những bậc thầy trong mảng thiết kế & tận dụng không gian một cách thông minh. Bằng những kiến thức và tầm nhìn của họ, không gian tổng thể trong ngôi nhà dù có diện tích không lớn, lụp xụp sẽ trở nên rộng rãi và thoáng mát vô cùng. Chỉ đơn giản bằng việc bố trí nội thất, ánh sáng, tận dụng những không gian mở (từ cửa sổ, cửa ra vào) – họ cũng đã tạo ra một cảm giác về không gian rộng lớn, sáng sủa và hoàn toàn không liên quan nhiều đến diện tích thực tế của căn phòng. Không chỉ vậy, trong việc lựa chọn nội thất, sẽ rất hiếm khi đồ nội thất của họ chỉ có một chức năng riêng lẻ, thông thường nó sẽ là những món đồ đa chức năng, chẳng hạn như những chiếc ghế sofa có thể biến thành sofa bed…)

Lựa chọn và thiết kế nội thất

Yếu tố thứ hai trong việc lựa chọn và thiết kế nội thất, người Ý coi căn bếp như vị trí trung tâm, trái tim của ngôi nhà. Không còn những căn bếp kín, riêng tư – và điều này cũng là lời giải thích thỏa đáng cho yếu tố đầu tiên mà CONN Design đã chia sẻ. Giờ đây căn bếp đã được thiết kế thông minh hơn, được thiết kế thông với phòng khách – tận dụng không gian một cách triệt để. Ngoài ra, người Ý không chỉ dành khu vực bếp cho việc nấu nướng mà coi đây là một không gian mở rộng của khu vực phòng khách, vừa có thể thưởng thức món mì spaghetti truyền thống, vừa có thể trò chuyện cùng các thành viên trong gia đình. Các bạn có thể linh hoạt lựa chọn những chiếc ghế dài hoặc một quầy bar nhỏ kết hợp ở khu vực bếp để tăng thêm giá trị tinh thần, kết nối với các thành viên trong gia đình. 

Tối giản

Tiếp theo đó là người Ý đã dần chuyển hướng sang chủ nghĩa tối giản, tuy rằng chưa định hình rõ ràng một chủ nghĩa tối giản như cách người Nhật áp dụng phong cách Zen, Wabi Sabi hay chủ nghĩa tối giản như người Scandinavi, nhưng nhìn chung xu hướng thẩm mỹ và lựa chọn nội thất của người Ý đã gọn gàng và đơn giản hơn nhiều so với những gì tổ tiên của họ đã làm như trong phong cách Gothic hay Baroque. Sự gọn gàng, sạch sẽ đã khiến những ngôi nhà hiện đại của Ý đã khác biệt hoàn toàn những thói quen trang trí xa hoa ở mức tối đa trước đây của họ. Nhưng các bạn vẫn phải nhớ, sang trọng và thanh lịch vẫn là tiêu chí quyết định hàng đầu nhé. 

Màu sắc

Các nhà thiết kế nội thất Ý có xu hướng ưu tiên bảng màu hiện đại, sạch sẽ với màu trắng sẽ làm trọng tâm chính. Các bức tường trong ngôi nhà hiện đại sẽ có màu trắng tinh khiết, trong khi các màu đậm hơn như màu đỏ thường sẽ làm điểm nhấn. Phần nền, tông màu chủ đạo sẽ thiên về màu kem, màu be, trắng ngà trong khi màu ô liu, màu xanh lam, hay màu đất nung sẽ đóng vai trò điểm nhấn bổ sung. 

Sàn nhà

Về việc lựa chọn sàn nhà – người Ý luôn thích vẻ đẹp tự nhiên của đá cẩm thạch, gạch lát nền hoặc sàn gỗ. Ngoài ra họ còn đánh giá cao việc sử dụng những tấm thảm với chất lượng cao như những chiếc thảm Ba Tư lớn có màu sắc góp phần tạo điểm nhấn cho sàn nhà. Một tấm thảm còn tạo ra một hiệu ứng tuyệt vời giúp cho gia chủ có một cảm giác ấm áp nhưng không hề mất đi vẻ sang trọng. 

Yếu tố đặc trưng thứ 4 mà CONN Design nghĩ các bạn cũng nhận ra trong việc lựa chọn và thiết kế nội thất kiểu Ý – Một trong những chất liệu quen thuộc và truyền thống khi nói tới nội thất Ý là ngói, đá cẩm thạch (marble) và đá hoa cương(granite). Bất kể dù là lối đi vào nhà, nhà bếp, nhà vệ sinh các bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra các sản phẩm từ Ý hay dáng dấp Ý đều sẽ ưu tiên lựa chọn những vật liệu này – góp phần tạo cho không gian một cái nhìn vô cùng tinh tế và sang trọng. Các bạn có thể lựa chọn những nguồn đá tự nhiên chất lượng cao để đưa vào nội thất, kết hợp với các đường nét trang trí vừa vặn sẽ mang lại không không gian vô cùng đậm chất Ý. 

Đồ nội thất phù hợp

Và cuối cùng cũng là yếu tố quan trọng nhất, đó chính là việc lựa chọn đồ nội thất phù hợp. Đồ nội thất của Ý được đặc trưng bởi khung gỗ chắc chắn tối màu (đa số sử dụng gỗ sồi, gỗ thông) và ưu tiên trang trí, chạm khắc những hoa văn nhẹ, gợn sóng và tay cầm được rèn bằng sắt. Quy tắc lựa chọn hình dạng đơn giản kết hợp với các đường cong mềm mại, nữ tính, ngoài ra người Ý còn sử dụng các loại vải dệt khác nhau để bọc nệm, bọc ghế sofa góp phần làm gia tăng sự mềm mại khiến không gian ấm cúng hơn. 

Không chỉ vậy, khi nhắc tới nội thất kiểu Ý, các bạn đừng quên việc trang trí mạ vàng nhé – đây là một nét vô cùng phổ biến ở Ý được áp dụng trong phong cách truyền thống cũng như hiện đại và hầu như có mặt ở khắp mọi nơi. Đó có thể là trang trí mạ vàng cho khung gương, trong nội thất khảm gỗ hay khảm gạch. Đây là một yếu tố quan trọng nhất để đưa nội thất gia đình bạn chạm đến định nghĩa sang trọng mà phong cách Ý luôn hướng tới. Màu sắc của lớp kim loại kết hợp cùng ánh sáng của nến, đèn sẽ mang đến sự lung linh, sang trọng cho ngôi nhà.

Các kiểu thiết kế nội thất

Thiết kế nội thất cổ điển

Đây là có lẽ không phải là khái niệm xa lạ đối với tất cả chúng ta đặc biệt đối với các tín đồ đam mê các xu hướng đến từ Châu Âu. Phong cách nội thất cổ điển đa phần được lấy cảm hứng từ nền kiến trúc của Hy lạp và La Mã – nhờ vào việc kế thừa tinh hoa của hai nền văn hóa nói trên mà phong cách thiết kế nội thất cổ điển mang đến cho chúng ta sự hoàn hảo đến từng chi tiết. Không mấy ngạc nhiên khi phong cách cổ điển dần dần trở thành xu hướng thiết kế của thời đại. 

Nếu các bạn vẫn chưa hình dung ra được tổng thể của phong cách thiết kế nội thất kiểu cổ điển là như thế nào thì hãy để CONN Design gợi ý các đặc điểm sau nhé:

  • Đầu tiên cũng là quan trọng nhất, phong cách cổ điển chú trọng vào tính đối xứng của bố cục. Sự đối xứng sẽ mang lại cho căn phòng một cảm giác dễ nhìn, thoải mái và trật tự. Việc sắp xếp đồ nội thất như tủ trang trí, ghế ngồi hay các thiết bị chiếu sáng cũng được sắp xếp một cách đối xưng sẽ mang lại một tổng thể vô cùng gọn gàng. 

  • Tiếp theo là sự phối hợp giữa vật liệu vải, dệt may cùng với đồ nội thất – đây là những vật liệu được sử dụng để trang trí không gian cổ điển. Dệt may là yếu tố sẽ góp phần tạo sự mềm mại, hấp dẫn cho toàn bộ không gian. Người Ý nổi tiếng yêu thích các loại vải chất lượng cao và họ có một niềm đam mê mãnh liệt thể hiện gu thẩm mỹ của mình đối với các loại vải dệt – tô điểm cho căn nhà của họ. Các gam màu có sắc thái ấm sẽ có xu hướng được sử dụng trên các loại vải mềm như một cách thiết lập chiều sâu về mặt thị giác. Trong khi đó, các gam màu lạnh hơn có xu hướng được sử dụng trên các loại vải mịn, dày hoặc da.

  • Không chỉ dừng lại ở đó, để tạo ra một không gian đậm chất cổ điển, các bạn đừng quên hai vật phẩm mang tính quyết định đó là Gương và Đèn chùm. Gương trang trí trong phong cách thiết kế nội thất cổ điển được xem là vật dụng định hình nên phong cách cổ điển. Gương trang trí nội thất cổ điển được làm từ những vật liệu có chất lượng đặc biệt, được đóng khung hoặc mạ vàng là chủ yếu. Còn riêng đèn chùm pha lê hay hệ thống chiếu sáng sẽ góp phần đem lại sự lung linh, được phản chiếu qua gương làm tăng thêm hiệu ứng cho căn phòng cũng như giúp mở rộng không gian – không chỉ vậy yếu tố sang trọng và thanh lịch càng được nhân đôi thêm bội phần. 

  • Cuối cùng để hoàn thiện một không gian nội thất kiểu Ý,các bạn đừng quên chăm chút cho từng chi tiết nhỏ từ sàn cho đến trần nhà nhé: từ việc lựa chọn vỏ gối, ghế sofa, phào chỉ trên tường/trần nhà, lựa chọn gạch đá ốp lát hay họa tiết trên màn cửa. Những chiếc gối tựa, hay gối nằm tưởng chừng như chỉ theo một gam màu phù hợp với giường, nhưng nếu để ý kỹ các vật phẩm mang tính trang trí này đều có từng đường nét họa tiết riêng, tuy không đồng nhất nhưng mang tính bổ trợ cho nhau và góp phần làm cho không gian trở nên quyến rũ hơn. Không gian trang trí của nội thất cổ điển luôn đề cao tính cá nhân của gia chủ, vậy nên các cách sắp xếp đồ vật trang trí trong nhà từ những chiếc đèn bàn cầu kỳ hay những lọ thoa với hình dáng đẹp mắt, thậm chí là những cuốn sách được sắp xếp chồng lên nhau, tuy thoạt nhìn trông có vẻ là một sự sắp xếp vô ý nhưng đối phong cách của người Ý tất cả sự sắp xếp đều là có chủ đích và nói lên phong cách sống của gia chủ.

Thiết kế nội thất Tân Cổ Điển 

Kết hợp được sự sang trọng của phong cách cổ điển và pha trộn một chút hiện đại – đây cũng là một trong những xu hướng thiết kế của đa số khách hàng ngày nay. 

Nếu như phong cách cổ điển được đánh giá cao bởi sự xa hoa bậc nhất, từ không gian rộng lớn, nội thất cao cấp chạm trổ tỉ mỉ đến họa tiết hoa văn uốn lượn cầu kỳ. Thì qua đến phong cách nội thất kiểu Tân Cổ điển sẽ có đặc điểm lược bớt những chi tiết rườm rà – vẫn giữ nguyên bản tính sang trọng, lịch thiệp nhưng toàn bộ không gian sẽ trở nên nhẹ nhàng và nho nhã hơn. Không để các bạn mơ hồ thêm về khái niệm Tân Cổ điển, hãy cùng điểm qua những đặc trưng quan trọng của phong cách thiết kế nội thất Tân Cổ Điển nhé: 

  • Về tính cân bằng và đối xứng, như CONN Design đã chia sẻ Tân Cổ Điển mang ý nghĩa đơn giản hóa từ phong cách cổ điển nên tân cổ điển hầu như vẫn kế thừa tất cả những đặc điểm của cổ điển, bao gồm tính đối xứng và cân bằng. Việc phân chia các ô, các mảng tường theo một tỷ lệ vàng luôn được đề cao trong thiết kế nội thất tân cổ điển để đảm bảo tính hài hòa trong cả không gian nội thất. 
  • Tiếp sau đó, hãy cùng đến với việc lựa chọn gam màu chủ đạo cho phong cách Tân Cổ Điển, thiết kế tân cổ điển dựa vào bảng màu trung tính là chủ yếu để mang lại sự trang nhã, quý phái như trắng, kem, vàng nhạt, xám, nâu, đỏ rượu vang, xanh rêu… Đó đều là những gam màu mà các bậc quý tộc, vương giả ở các thời vua chúa phương Tây thường xuyên sử dụng.
  • Đi đến việc lựa chọn vật liệu cao cấp để thể hiện tính sang trọng, quý phái – sàn gỗ hay đặc biệt là sàn đá cẩm thạch, đá granite là những ưu tiên hàng đầu trong phong cách kiểu Tân Cổ Điển. Ngoài ra, các chi tiết hoa văn hay phào chỉ cầu kỳ cũng được hoan nghênh, các bạn sẽ dễ dàng thấy tại đường phào chỉ trên những bức tường sẽ luôn được chạm khắc uốn lượn mềm mại, bo góc tinh tế góp phần tạo điểm nhấn cho cả không gian. Những đường nét kiêu kỳ được tạo nên từ những họa tiết hoa văn nhỏ nhất, chúng là yếu tố không thể thiếu  để tạo nên không gian tổng thể hài hòa mềm mại. 
  • Và cuối cùng vô cùng quan trọng tương tự như kiểu Cổ Điển,các bạn hãy chú trọng những chi tiết mạ vàng và sự hiện diện của đèn chùm lộng lẫy nhé. Vẫn như phong cách kiểu cổ điển, chỉ cần sử dụng đúng và đủ một vài chi tiết mạ vàng như: gương mạ vàng, khung ảnh mạ vàng, viền bàn sẽ khiến cho không gian nổi bật lên hơi thở của kiểu vương giả quyền quý. 

 

Thiết kế nội thất hiện đại

Dù cho các bạn chọn phong cách cổ điển hay hiện đại, thì vốn dĩ bản chất của phong cách thiết kế nội thất của Ý sẽ không thể thiếu được sự sang trọng, lịch lãm và có phần lãng mạn. Đó không chỉ là bản chất của kiến trúc-nội thất mà đó cũng là bản chất của con người nước Ý. Từng lối bày trí, lựa chọn đồ dùng, đồ trang trí nội thất đều được họ tính toán một cách rất tỉ mỉ để đảm bảo không gian luôn toát ra vẻ đẹp đẳng cấp, quý phái. Những yếu tố các bạn cần lưu ý khi lên kế hoạch lựa chọn cho không gian của mình.

  • Phong cách nội thất hiện đại sử dụng các gam màu trung tính như màu ghi, màu be, màu đen, màu trắng, màu kem với mục đích mang lại cảm giác thoải mái khi nhìn. Đường nét kiến trúc là những hình khối được thể hiện rõ qua việc phối màu đậm nhạt thích hợp
  • Việc lựa chọn vật liệu của kiến trúc nội thất hiện đại sẽ ưu tiên sử dụng các nguyên liệu như thủy tinh, bê tông, kim loại, gỗ ép,… Các vật dụng này nên cókiểu dáng hiện đại và đa chức năng thông minh, tiện dụng để đáp ứng nhu cầu một cuộc sống đầy đủ tiện nghi.
  • Và các bạn đừng quên tận dụng không gian mở trong gia đình nhé, với cách thiết kế hiện đại này thì kiểu không gian mở sẽ khá phổ biến. Như Conn Design đã giới thiệu đầu video về việc người Ý xem trọng căn bếp như thế nào, thì giờ đây các bạn cũng có thể học hỏi & kết hợp  phòng khách và phòng bếp với nhau để sẽ tạo thành một không gian chung. Việc kết hợp này có tác dụng mở rộng không gian đồng thời thể hiện sự tự do không gò bó trong thiết kế. 
  • Ngoài ra, việc bày trí đồ nội thất trong không gian cần phải đáp ứng đầy đủ sự hài hòa, thông thoáng và tiện lợi. Trong phong cách thiết kế nội thất hiện đại, các bạn nên tránh việc sắp xếp quá nhiều đồ trong cùng một không gian – Điều này sẽ làm tăng cảm giác ngột ngạt và chật chội nếu như lạm dụng quá nhiều đồ trang trí nội thất. Và đừng quên việc trang trí mạ vàng lên những đồ vật trang trí trong gia đình để tạo ra một không gian sang trọng. 
  • Và cuối cùng, trong không gian phong cách nội thất hiện đại, ánh sáng tự nhiên là một yếu tố rất quan trọng. Ánh nắng không chỉ đem lại nguồn sáng tự nhiên cho căn phòng mà chúng còn giúp cho các nội thất văn phòng trở nên nổi bật và hiện đại. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tận dụng hệ thống chiếu sáng: đèn trang trí, đèn chùm sẽ góp phần làm cho không gian trở nên vừa lung linh vừa lãng mạn.

Thiết kế nội thất Gothic

Có lẽ các bạn cũng thấy những khái niệm như Gothic, Baroque đã khá quen thuộc khi CONN Design đã từng giới thiệu trong bài viết về đất nước Pháp. Các bạn có thắc mắc vì sao lại có sự trùng lặp này hay liệu Baroque Ý và Baroque Pháp có điểm gì tương đồng hay khác biệt với nhau không? Nếu có chúng ta hãy cùng đi tiếp với nội dung tiếp theo, CONN Design sẽ phân tích một vài điểm chung cũng như khác biệt để các bạn hình dung nhé. 

Đầu tiên chúng ta phải xét về lịch sử hình thành của Baroque trước đã, phong trào Baroque được khởi nguồn  ở Ý vào khoảng năm 1600, sau đó nó lan sang Pháp, khắp châu Âu và trên toàn thế giới. Baroque được đánh giá là phong cách hình ảnh đầu tiên có tác động đáng kể trên toàn thế giới. Riêng về mảng thiết kế nội thất Baroque là phong cách trang trí được dựa theo phong cách kiến trúc, nghệ thuật giai đoạn Baroque phát triển vào thế kỷ 17 và nửa đầu thế kỷ 18 ở Ý và Pháp.

Phong cách xa hoa này bao gồm nội thất nhiều tầng lớp, trang trọng, vật phẩm trang trí nội thất bao gồm các yếu tố như tác phẩm: các tượng điêu khắc bằng đồng; thảm trang trí phức tạp; gương mạ vàng, trần nhà & phào chỉ được sơn & chạm khắc vô cùng công phu; và không thể thiếu hệ thống chiếu sáng: đèn chùm pha lê lung linh huyền ảo. 

Điểm chung của phong cách Baroque Ý và Pháp đó là sự vận động liên tục của những bức tường uốn lượn đầy ấn tượng kết hợp cùng những chi tiết cầu kỳ trong lối trang trí – nhấn mạnh hiệu quả ảo ảnh với mục đích làm cho chiều sâu sâu hơn, chiều dài dài hơn. Phong cách Baroque còn là một phương tiện để thể hiện quyền lực, sự vương giả của đất nước thời bấy giờ. Chẳng hạn như ở Pháp, có lẽ phần nổi tiếng và tiêu biểu nhất của kiến trúc Baroque thế kỷ XVII  là Cung điện Versailles mà Conn Design đã giới thiệu ở video trước. Đối với Louis XIV, cung điện được xây dựng sẽ phục vụ hai mục đích chính trị chính; đầu tiên, nó là một biểu tượng tráng lệ của uy quyền tối cao của Pháp. Thứ hai, thay vì xây dựng các cơ sở quyền lực rải rác ở các tỉnh thành khác, cung điện đã trở thành nơi gặp gỡ những nhà quý tộc vĩ đại nhất ở Pháp. Đây cũng giải thích phần nào kích thước vô cùng vĩ đại của cung điện nhằm đáp ứng tối đa cả hai mục đích.

Riêng về Ý được biết tới là cái nôi – nơi khởi nguồn cho phong cách kiến trúc Baroque và là nơi khơi nguồn cảm hứng mãnh liệt cho nhiều nhà kiến trúc trên khắp thế giới: chẳng hạn như Giacomo della Porta, Johann Bernhard Fischer von Erlach..v..v. Nếu nước Ý được coi là quê hương của kiến trúc Baroque thì cái tên Gian Lorenzo Bernini được biết đến là cha đẻ của phong cách này,đáng chú ý nhất là Nhà thờ Thánh Peter, được hoàn thành vào năm 1626 được pha trộn phong cách baroque với một chút phong cách phục hưng. Vương cung thánh đường mất hơn 100 năm để xây dựng và có quy mô khổng lồ, tựa như cung điện Versailles, đây cũng là công trình đưa ra tuyên bố hùng hồn về sự giàu có và quyền lực của Giáo hội Công giáo La Mã. 

Ngoài tính chất thể hiện quyền lực là điểm chung ra, nếu mỗi một phong cách kiến trúc đều có một hình thù đặc trưng thì với kiến trúc Baroque của cả Pháp và Ý, hình oval là hình khối chủ đạo. Nó thường xuất hiện trên trần nhà hay các bức tường lớn kết hợp với nhiều họa tiết tỉ mỉ cùng đường cong uốn lượn mềm mại. Bên cạnh hình oval, những chiếc cột khổng lồ cao hơn hai tầng và cả những ô cửa sổ lớn có hình chữ nhật, hình vòm kết hợp với các đường cong và xoắn một cách tinh tế cũng là đặc điểm nhận dạng tiêu biểu cho phong cách này.

Nếu để phải tìm ra sự khác biệt của Baroque Pháp và Ý thì có lẽ sẽ được chia thành 2 yếu tố sau. Đối với Baroque Pháp, tuy các cấu trúc, trang trí có vẻ lòe loẹt không theo một trật tự nhất định-nhưng ở một cái nhìn tổng thể, Baroque của Pháp đặc trưng có tính đối xứng. Còn riêng Baroque của Ý lại nổi bật với phong cách bất đối xứng và có phần phóng khoáng hơn. Không chỉ vậy, thiết kế nội thất Baroque kiểu Ý sẽ chủ yếu ưu tiên sử dụng các vật liệu đá cẩm thạch, đá hoa cương nhiều hơn là ở Baroque của Pháp. 

Ngoài những phong cách kiểu cổ điển, tân cổ điển – CONN Design tin rằng cũng sẽ có những bạn yêu thích phong cách Baroque này và muốn biến không gian của mình được thiết kế nội thất và trang trí theo phong cách Baroque. Đây là một ý tưởng vô cùng thú vị đặc biệt là khi các bạn cũng muốn thể hiện lối sống vương giả, không gian sang trọng để gây ấn tượng với những vị khách của mình. Thế nên CONN Design muốn giới thiệu một số đặc điểm chủ yếu khi thiết kế nội thất kiểu Baroque cần lưu ý như sau: 

  • Đầu tiên hãy lưu ý khi chọn chất liệu trong phong cách thiết kế nội thất Baroque, các bạn hãy luôn nhớ rằng điểm cốt lõi của phong cách Baroque sẽ thiên về lối sống quyền quý, xa hoa thế nên những chất liệu được sử dụng trong phong cách nội thất Baroque là những chất liệu quý như nhung, lụa, cẩm thạch, gỗ quý. Vải bọc, rèm cửa, khăn trải bàn, thảm và thậm chí cả ga trải giường phải có chất lượng cao và các chi tiết nhỏ được thêu một cách tỉ mỉ, độc  đáo. Thông thường, các bản in hoa và gấm hoa được sử dụng cho phong cách Baroque. Hãy áp dụng những chất liệu xa xỉ này trong các đồ nội thất mang tính trang trí để gia tăng sự quý phái và sang trọng khó cưỡng lại.

  • Sau tiêu chí chọn vật liệu, gam màu sắc tổng thể cũng không kém quan trọng: màu sắc đa dạng, phong phú và sáng bóng là những lựa chọn hàng đầu trong việc lựa chọn thiết kế nội thất kiểu Baroque. Bởi phong cách Baroque mang lại một cái nhìn vô cùng ấn tượng nên việc lựa chọn đồ nội thất hay đồ trang trí thường được ưu tiên bằng vàng, đồng thời kết hợp cùng những gam màu nổi bật đỏ đậm, xanh đậm..

  • Tiếp đến đó là tiêu chí lựa chọn đồ nội thất – nếu các bạn để ý thì trong các công trình nhà ở, cung điện mang phong cách Baroque, đồ nội thất đa phần sẽ có kích thước vô cùng lớn, đồ sộ. Vậy nên tốt nhất nếu bạn đã có đủ không gian, các bạn nên chọn những đồ sang trọng có kích thước đáng kể: một bộ ghế sofa, tủ quần áo hay bàn ăn hiện đại, kiểu dáng đẹp và nhưng lại tiết kiệm không gian thì sẽ trông không phù hợp với phong cách Baroque. 

Ngoài ra, công phu trong việc trang trí là chìa khóa cho thiết kế nội thất kiểu Baroque. Điều này có nghĩa là bạn phải chọn tủ, cửa và đồ trang trí có chạm khắc tỉ mỉ và có phần tương đối phức tạp. Thông thường, những hình chạm khắc này mô tả các chủ đề liên quan đến thực vật như dây leo và hoa. 

Và cuối cùng, yếu tố được CONN Design nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần từ video giới thiệu các kiểu thiết kế nội thất Pháp cho tới Ý ngày hôm nay, đừng quên tạo ra những điểm nhấn bằng những chiếc đèn chùm pha lê huyền ảo, hay những chi tiết mạ vàng xung quanh đồ nội thất. Đây đều là những phụ kiện tuyệt vời chắc chắn sẽ giúp làm nổi bật vẻ đẹp của nội thất kiểu Baroque của bạn và khiến mọi người cảm thấy như thể họ đã được chuyển đến một cung điện xa hoa từ nhiều thế kỷ trước.

Để thiết kế một căn nhà theo phong cách tân cổ điển – tân cổ điển hay thậm chí là hiện đại, bên cạnh việc am hiểu rõ về phong cách cũng như các đặc trưng tiêu biểu, bạn cần phải lên ý tưởng, lựa chọn nội thất và sắp xếp mọi thứ thật hợp lý. Hi vọng khi các bạn không cảm thấy quá phức tạp và mơ hồ giữa việc nên chọn phong cách nào, sắp xếp ra sao và nếu cần một đội ngũ thiết kế giúp đỡ – CONN Design sẽ là lựa chọn đầu tiên của các bạn –  đội ngũ CONN Design sẽ luôn mang lại không gian sống hoàn hảo nhất mà bạn mong đợi.

(Nguồn: Sưu tầm)

Tôi là Trang, Founder của CONN Design - công ty chuyên thiết kế và thi công không gian kinh doanh. Tôi tốt nghiệp trường đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh và đam mê ngành thiết kế từ nhỏ. Tôi luôn mong muốn tạo ra những không gian đẹp, tiện nghi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng thiết kế là một ngôn ngữ không lời để thể hiện cá tính và giá trị của con người. Một câu châm ngôn về thiết kế mà tôi thích là: "Thiết kế không chỉ là những gì bạn nhìn thấy, mà còn là những gì bạn cảm nhận."

Trần Thị Hồng Trang

KHÁM PHÁ

x

    • 1

      Step 3

    • 2

    • 3

    1/3

    Step 3

    Thông tin của bạn

    Hoặc chọn thời gian sau:

    Phong cách thiết kế bạn yêu thích?

    Loại hình công trình của bạn?